1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiền mặt trao tay và cuộc cách mạng trong làm từ thiện

(Dân trí) - Hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người nghèo mà không kèm bất kỳ điều kiện gì, quỹ từ thiện GiveDirectly đã giúp hàng chục nghìn người tại châu Phi thoát nghèo. Mới nhất, tỷ phú đồng sáng lập Facebook Dustin Moskovitz đã ủng hộ quỹ này 25 triệu USD để chuyển cho người nghèo.

Ra đời tại New York, GiveDirectly là một tổ chức phi lợi nhuận với cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt trong hỗ trợ những người nghèo nhất thế giới, khi luôn chuyển thẳng tiền mặt cho họ, mà không kèm điều kiện gì.

man-and-bicycle-0e225

Tại Kenya và Uganda, quỹ này đã tặng khoảng 1.000 USD cho hàng nghìn gia đình nghèo khổ. Số tiền trên tương đương gần một năm thu nhập của họ. Người nhận không cần hoàn trả và có thể tùy ý sử dụng khoản tiền này.

Với một số người ý tưởng này xem có vẻ lạ lùng thậm chí cực đoan, nhưng thực chất không phải vậy. Tại các nước đang phát triển, chuyển tiền mặt đang âm thầm trở thành một trong những chiến lược xóa nghèo hiệu quả và được nghiên cứu nhiều nhất.

Theo tờ Huffington Post của Mỹ, số tiền quyên góp 25 triệu USD vừa được Moskovitz và vợ mình là Cari Tuna công bố thông qua quỹ từ thiện của hai người có tên Good Ventures. Khoản quyên góp này có giá trị lớn hơn ngân sách của quỹ GiveDirectly trong cả năm 2014.

Năm nay 31 tuổi và sở hữu khối tài sản ròng lên tới 9,7 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes, Moskovitz là người giàu thứ 175 thế giới.

“Chính phủ và các nhà hảo tâm mỗi năm chi hàng chục tỷ USD để chống lại đói nghèo”, Tuna viết trong một thông cáo. “Nhưng những người lẽ ra được hưởng lợi từ số tiền đó lại hiếm khi được quyết định việc chi tiêu. GiveDirectly đang thay đổi điều đó”.

Hỗ trợ nhiều người nghèo nhất với chi phí thấp nhất

Moskovitz và Tuna, cả hai đều mới ngoài 30 tuổi, nằm trong số những tỷ phú trẻ tuổi nhất đã cam kết dành phần lớn tài sản làm từ thiện. Họ có một cách tiếp cận độc đáo đối với công việc này. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở làm việc tốt, mà phải làm điều đó theo cách tốt nhất. Như cách họ vẫn nói: “bằng cách nào chúng ta có thể đến được với nhiều người nhất với sự trợ giúp lớn nhất trong khuôn khổ những nguồn lực hiện có?”

dustin-moskovitz-d8211

Mục tiêu này đã dẫn tới việc họ ủng hộ những nghiên cứu kỹ lưỡng giúp xác định tổ chức nào đang hoạt động tại các quốc gia nghèo hiệu quả và có chi phí thấp nhất. Chính mong muốn này đã dẫn cặp vợ chồng trẻ đến với GiveDirectly.

Thành lập năm 2011, GiveDirectly luôn chú trọng việc sử dụng công nghệ để trao tiền từ thiện, và tận dụng tối đa cộng nghệ giao dịch ngân hàng trên điện thoại di động, vốn đang bùng nổ tại châu Phi. Việc chuyển tiền điện tử thẳng tới những ngôi làng nghèo nhất không chỉ giúp giảm mạnh chi phí mà còn loại trừ nguy cơ tham nhũng.

Các nhà sáng lập GiveDirectly cũng đề cao sự minh bạch và quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu mà hiếm thấy ở một tổ chức phi lợi nhuận nào khác. Thước đo chính cho hoạt động của quỹ là lượng truy cập và quyên góp theo thời gian thực trên trang web.

GiveDirectly cũng đưa các chương trình của mình ra thử nghiệm có kiểm soát một cách ngẫu nhiên, giống như cách các công ty dược phẩm thường làm để xác định hiệu quả của một loại thuốc. Đây là cách làm thực sự hiếm thấy cho các tổ chức từ thiện, bởi các thử nghiệm thường tốn kém, khó khăn và tốn thời gian. Nhưng kết quả chúng đem lại là bằng chứng tốt nhất cho thấy một chương trình thực sự hiệu quả.

Biện pháp này cũng chứng tỏ hiệu quả khi điều tra cho thấy, một năm sau khi nhận được tiền chuyển khoản, người nhận tăng thu nhập của mình trung bình 34%, tăng tài sản 52% so với những người không được nhận tiền.

Trong số những người nhận được tiền, số người phải đi ngủ với bụng đói giảm 36%, số ngày trẻ em không có lương thực giảm 42%. Số tiền thường được người nghèo chi vào nhà cửa, sinh hoạt hàng ngày và tiết kiệm. Không có trường hợp nào cho thấy sự gia tăng trong tiêu thụ rượu bia hay thuốc lá.

Một thập niên trước, các chương trình chuyển tiền mặt hiếm khi được các tổ chức nhân đạo lớn quan tâm. Ngày nay, sau hàng chục thử nghiệm thành công, chuyển tiền mặt đang được tổ chức hỗ trợ phát triển của Anh này xem như một “cuộc cách mạng thầm lặng” trong công tác chống đói nghèo toàn cầu.

Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc là một trong những cơ quan nhân đạo lớn nhất, với ngân sách hàng năm trên 4 tỷ USD. Tính tới năm 2009, chỉ có 10 triệu USD được tổ chức này chi bằng tiền mặt hoặc các chương trình cung cấp phiếu mua hàng. Con số này đã tăng nhanh ở những năm sau đó, lên trên 1,25 tỷ USD trong năm 2014, thông qua 87 chương trình tại 56 quốc gia.

Dù không có quy mô lớn như trên, GiveDirectly lại có những lợi thế khác. Tốc độ và công nghệ cao giúp quỹ này có thể trở thành một phòng thí nghiệm về hoàn thiện thiết kế các chương trình tặng tiền mặt của những tổ chức lớn hơn.

Ví dụ, GiveDirectly đang chạy một thử nghiệm giúp người nhận có quyền kiểm soát lớn hơn đối với thời gian chuyển tiền (do một số người muốn nhận ngay một số tiền lớn để chi trả cho một vật dụng đắt tiền nào đó, trong khi một số khác lại muốn các khoản tiền được chuyển thành nhiều lần để những người họ hàng, bà con không đến hỏi vay).

Một thử nghiệm khác sẽ giúp chỉ ra điều gì sẽ xảy ra khi những người được tặng tiện nhận được thông tin về những cách chi tiêu hữu ích.

GiveDirectly cũng đang tư vấn cho lãnh đạo các cơ quan cứu trợ cách thức sử dụng tiền mặt của họ tốt nhất sau những thảm họa tự nhiên và các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác.

Sau trận động đất tàn khốc tại Nepal tháng 4 vừa qua, tờ Guardian của Anh từng ghi nhận những lợi ích rõ ràng của việc cứu trợ bằng tiền mặt. “Cụ Khamraj, 87 tuổi, đã mất mọi thứ trong ngôi nhà sập trong trận động đất tại Nepal. Ông được tổ chức HelpAge International tặng 75 USD và giờ có thể chi trả để thuê người xây dựng một chỗ ở tạm. Cụ là một trong số 10.000 người trên 60 tuổi đã nhận được khoản hỗ trợ này”.

Cứu trợ bằng tiền mặt, vừa bổ trợ cho những cách hỗ trợ nhân đạo khác đồng thời cũng có thể là một lựa chọn thay thế, đang ngày càng trở nên phổ biến. Thường biện pháp này cũng được đánh giá cao hơn so với tặng vật dụng cứu trợ, bởi nó giúp các cá nhân và gia đình có thể chi tiêu vào những thứ họ thực sự cần.

Tiền mặt được chi dùng tại địa phương vào những thứ hữu ích cũng có lợi cho nền kinh tế khu vực đó, và có thể hỗ trợ nhiều cho quá trình tái thiết lập thị trường. Trao tiền mặt cho những nạn nhân bị tổn thương nhiều nhất trong thảm họa cũng đã cho thấy là cách hỗ trợ người kinh doanh trong toàn chuỗi cung ứng.

Nhiều chính phủ cùng các tổ chức phi chính phủ lớn đang “cố gắng tìm hiểu và vạch ra hướng đi trong thế giới tương lai, nơi việc chuyển tiền mặt sẽ có vai trò lớn hơn nhiều trong công tác xóa nghèo”, nhà đồng sáng lập GiveDirectly, ông Michael Faye khẳng định. Nhờ đó, phần lớn số tiền quyên góp 25 triệu USD sẽ được đưa vào chương trình tặng tiền mặt được kết hợp triển khai với những tổ chức lớn đó.

“Nếu GiveDirectly có thể giúp chuyển hóa dù chỉ là một phần nhỏ chi tiêu của các tổ chức đó từ những chương trình hiệu quả thấp hơn sang hỗ trợ tiền mặt, đó cũng đã là một thành công lớn”, bà Cari Tuna khẳng định.

Thanh Tùng

Theo Huffington Post

Tiền mặt trao tay và cuộc cách mạng trong làm từ thiện - 3