Tiền hậu bất nhất
Những ngày tháng 8 này, người Nhật có nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày phát xít Nhật đầu hàng, kết thúc thế chiến II (15/8/1945) và tưởng niệm nạn nhân thảm họa nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki 60 năm trước. Có 2 sự kiện đáng buồn thể hiện sự tiền hậu bất nhất và bước đi thụt lùi của Tokyo.
1 - Quốc hội Nhật đã thông qua một nghị quyết phần nào mỵ dân, không dám nói hết sự thật. Nghị quyết viết: “Chúng ta lấy làm tiếc sâu sắc về nỗi đau khổ do hành động của nước ta gây ra cho nhân dân châu Á và những nước khác trong một giai đoạn lịch sử trước đây”. Nghị quyết không đả động gì đến “ách đô hộ thực dân” và “hành động xâm lược” được nêu trong một nghị quyết tương tự cách đây 10 năm nhân kỷ niệm 50 năm phát xít Nhật thua trận.
Tháng 4 năm nay tại Hội nghị Thượng đỉnh Á - Phi họp ở Indonesia, chính Thủ tướng Nhật Koizumi đã bày tỏ “sự ăn năn hối hận sâu sắc” khi mạnh dạn dùng các từ “chủ nghĩa thực dân”, “hành động xâm lược” để nói về chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản thời kỳ 1930 – 1940. Tháng 8/1995 trong một diễn văn “lịch sử”, Thủ tướng Nhật hồi đó là Tomiichi Murayama đã “hối tiếc” về “sự thống trị và xâm lược thực dân” của Nhật.
2 - Ngoài việc thông qua nghị quyết kỵ húy tội ác xâm lược, khoảng 300 nghị sĩ còn lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Koizumi cứ tiếp tục thăm đền Yasukuni thờ người tử nạn trong thế chiến II, kể cả những tội phạm chiến tranh Nhật, “đừng sợ Trung Quốc”.
Ông Koizumi chắc không thể bỏ qua “sự cố” bị một cụ già hét to: “Xin ông Thủ tướng Koizumi đừng đến đền Yasukuni nữa” sau khi ông phát biểu tại lễ tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima ngày 6/8 vừa qua.
Theo T.Tùng
Người lao động