1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bầu cử giữa kỳ tại Philippines:

Tiền đề của cải tổ chính trị

(Dân trí) - Ngày 14/5, hơn 45 triệu cử tri Philippines đã tham gia vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Mặc dù các nhà phân tích nhận định cuộc bầu cử lần này không làm thay đổi nhiều cán cân sức mạnh giữa các phe phái, nhưng nó có thể mở đường cho những bước đi mạnh dạn nhằm thay đổi hệ thống chính trị đầy bất ổn của nước này.

Cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra ba năm một lần tại Philippines năm nay sẽ bầu lại một nửa trong số 24 thượng nghị sỹ, toàn bộ 275 hạ nghị sỹ, 81 tỉnh trưởng, 118 thị trưởng thành phố lớn và hàng nghìn quan chức đứng đầu chính quyền tại các địa phương khác.

 

Cũng giống như bất ổn chính trị là đặc trưng của chính trường Philippines trong suốt một nửa thập kỷ trở lại đây, các cuộc bầu cử tại đất nước này cũng đồng nghĩa với bạo lực và giết chóc. Chỉ tính riêng trong ngày bầu cử đã có 6 người bị giết và chừng ấy người bị thương, nâng tổng số người thiệt mạng trong quá trình vận động tranh cử lên 126 người. Cảnh sát và quân đội đã đặt trong tình trạng báo động cao và triển khai gần như toàn bộ nhân viên để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử.

 

Theo đánh giá chung, sau những bất ổn triền miên trên chính trường kể từ khi Tổng thống Arroyo lên nắm chính quyền cho tới nay, hơn bao giờ hết dư luận Philippines hy vọng cuộc bầu cử này sẽ tạo điều kiện để thực hiện cho một cuộc cải tổ về chính trị, mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới với kỳ vọng sẽ hạn chế nạn tham nhũng, lập lại ổn định về chính trị và thực sự phục vụ cho lợi ích của đất nước.

 

Cuộc bầu cử năm nay thực chất là cuộc đua giữa hai phe chủ chốt: phe ủng hộ bà Arroyo và phe đối lập gồm những người ủng hộ cựu tổng thống bị lật đổ Joseph Estrada. Năm 2002, ông Estrada đã bị đẩy ra khỏi dinh thự Malacanang, nơi làm việc của tổng thống Philippines, do những cáo buộc về tham gia bảo kê cho tội phạm cờ bạc.

 

Lên nắm chính quyền trong hoàn cảnh bất mãn của dân chúng, bà Arroyo, người phụ nữ thứ hai lãnh đạo đất nước Philippines sau bà Cory Aquino, đã không bỏ phí thời gian để thiết lập lại trật tự và từng bước củng cố cơ sở quyền lực nhằm tránh lặp lại kịch bản của người tiền nhiệm.

 

Bà Arroyo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, nhưng do vướng vào những cáo buộc gian lận trong bầu cử sau khi cuộc nói chuyện của bà với đối thủ Fernando Poe bị tiết lộ, bà Arroyo đã bị đe dọa đưa ra luận tội trước Quốc hội. người từng bị cáo buộc là gian lận trong cuộc bầu cử năm 2004 giúp bà tiếp tục nắm quyền. Từ đó đến nay, bà Arroyo đã vượt qua hai mưu toan phế truất và một cuộc đảo chính quân sự, nhưng uy tín của Tổng thống đã sụt giảm nhiều tại đất nước có tới 86 triệu dân này.

 

Chỉ nhờ có sự khéo léo tranh thủ sự ủng hộ của hàng ngàn thị trưởng các quận và thành phố trên cả nước, nhà lãnh đạo xinh đẹp trên chính trường Philippines mới thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập. Có lẽ vì phải luôn đối phó với những mưu toan lật đổ bằng mọi cách, dường như bà Arroyo đã giành mọi sức lực của mình để bảo toàn chiếc ghế đang bị lung lay và không thể dành nhiều sức cho các việc quốc gia khác.

 

Đảng Thống nhất của Tổng thống Arroyo với cương lĩnh tranh cử tập trung vào chương trình cải cách hệ thống tài chính công và tái khởi động tăng trưởng kinh tế vốn đã trì trệ sau nhiều năm bất ổn về chính trị. Ngoài các chủ đề trên, chương trình nghị sự của đảng này cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải cải tổ lại hệ thống chính trị của đất nước. Cách đây một năm, bà Arroyo và các đồng minh chính trị trong quốc hội Philippines đã khởi xướng cuộc vận động nhằm thay đổi hệ thống chính trị vốn tập trung quyền lực từ tay tổng thống sang chính phủ do quốc hội thành lập, đồng thời bỏ cơ chế quốc hội hai viện.

 

Những người cổ vũ cho ý tưởng này cho đó là mô hình phù hợp nhất với tình hình Philippines hiện nay, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người dân Philippines lại nhìn nhận đó là âm mưu của bà Arroyo nhằm kéo dài thời gian ở lại dinh Malacanang và đẩy các đối thủ ra khỏi hành lành lang quyền lực.

 

Cuộc bầu cử lần này được coi là nỗ lực quyết định của Tổng thống Arroyo và những người ủng hộ nhằm đẩy mạnh cải tổ cơ cấu chính phủ và hệ thống chính trị Philippines hiện nay. Mặc dù quá trình kiểm phiếu chỉ có thể hoàn tất sớm nhất vào 16/5, kết quả bầu cử thượng viện phải ba tuần nữa mới được công bố, nhưng phân tích cơ cấu chính trị trên chính trường Philippines hiện nay, người ta không khó dự đoán đảng Thống nhất thân Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo sẽ tiếp tục giành thắng lợi và chiếm đa số tại hạ viện và chính quyền địa phương. Trong khi đó, phe đối lập coi cuộc bầu cử lần này là đợt trưng cầu dân ý về Tổng thống Gloria Arroyo.

 

Giới quan sát nhận định phe đối lập sẽ giành đa số tại Thượng viện, cơ quan có quyền lực hạn chế hơn so với Hạ viện. Nếu những dự đoán của giới quan sát thành hiện thực, người dân Philippines có thể sẽ được chứng kiến một chương mới trong đời sống chính trị của nước này sẽ được lật giở, cho dù tới nay nó vẫn còn đang gây chia rẽ trong dư luận và chưa biết có thực sự mang lại sự ổn định cho quần đảo này hay không.

 

Ngọc Nhàn

(Tổng hợp)