1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tiền đâu tác oai tác quái?

Bọn khủng bố cần phải có tiền để hoạt động. Vậy IS tài trợ các tổ chức khủng bố ở Đông Nam Á bằng cách nào?

Vấn đề nêu trên đã được mổ xẻ tại một cuộc họp thượng đỉnh về tài chính chống khủng bố ở Bali - Indonesia đầu tháng 8-2016, với sự có mặt của quan chức chống khủng bố hơn 20 nước.

Bali là nơi từng xảy ra một vụ đánh bom khủng bố ghê rợn năm 2002 giết chết hơn 200 người, đa phần là du khách Australia. Đây cũng là lần đầu tiên quy tụ các chuyên gia chống khủng bố lớn nhất sau những vụ khủng bố ở Pháp, Đức, Mỹ và Indonesia hồi đầu năm 2016.

Tuồn tiền qua biên giới

Tại hội nghị nêu trên, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Australia đã trình bày bản đánh giá chung. Theo đó, hiểm họa khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng toàn vùng Đông Nam Á (ĐNA) ngày càng nghiêm trọng.

Hội nghị cũng cảnh báo rằng việc IS dùng quỹ từ thiện và các tổ chức phi lợi nhuận (NPO) để tài trợ các tổ chức khủng bố thân IS có điều kiện gia tăng những cuộc tấn công đẫm máu ở các nước ĐNA là một thực tế đáng báo động.

Theo PPATK (Cơ quan Tình báo tài chính Indonesia), từ năm 2014 đến 2015, các tổ chức khủng bố ĐNA đã nhận được hơn 763.000 USD chuyển ngân từ nước ngoài.

"Chỉ cần một khoản tiền nhỏ cũng có thể tiến hành một cuộc tấn công khủng bố đẫm máu. Do vậy, ngay cả một số tiền rất nhỏ chuyển lậu qua biên giới về cũng đặt ra một mối nguy thật sự lớn cho an ninh khu vực" - PPATK nhấn mạnh.

Hawala, hệ thống chuyển tiền mặt xuyên quốc gia mà IS hay dùng để tài trợ khủng bố ở các nước Đông Nam Á. Ảnh: MBN
Hawala, hệ thống chuyển tiền mặt xuyên quốc gia mà IS hay dùng để tài trợ khủng bố ở các nước Đông Nam Á. Ảnh: MBN

Bản báo cáo chung của các nước ĐNA cũng đánh giá rằng chính những lỗ hổng ở biên giới và ranh giới biển quá gần nhau đã tạo điều kiện tự nhiên cho các mạng lưới khủng bố chuyển tiền mặt qua biên giới dễ dàng.

Scott Stewart, Phó Chủ tịch Stratford, công ty an ninh tư nhân Mỹ, đặc biệt nhấn mạnh đến mối liên quan giữa tài trợ không kiểm soát và những vụ tấn công nhỏ:

"Quy mô tấn công khủng bố tùy thuộc vào nguồn tiền chuyển dịch tự do. Tiền này dùng để tuyển mộ lính mới, hối lộ quan tham, mua nguyên vật liệu làm bom tự chế, mua (hoặc thuê) nhà, xe hơi… Cho nên, việc cần thiết và cấp bách là ngăn chặn nguồn tiền này - vốn rất khó kiểm tra và giám sát vì có nhiều kênh khác nhau".

Đề cập tần suất và mức độ nghiêm trọng của những vụ tấn công khủng bố ngày càng cao, lan rộng toàn cầu, Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan lưu ý cử tọa rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

"Đó là thách thức lớn mà chúng ta sẽ đối mặt trong vài thập kỷ tới. Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với nhau, với các đối tác trong khu vực và toàn cầu để phá vỡ những đường dây chuyển tiền từ nước ngoài về và đấu tranh chống lại các mối đe dọa đó" - ông Keenan nhấn mạnh.

Tháng 12-2015, một cuộc điều tra chung của Indonesia và Australia đã phát hiện đường dây chuyển ngân lậu từ Australia đến Indonesia của một kẻ tình nghi là khủng bố với số tiền lên đến 384.000 USD. Số tiền này dùng để tuyển mộ, trang bị vũ khí và giúp đỡ gia đình các thành viên một nhóm Hồi giáo cực đoan.

Từ năm 2006, Australia đã khởi tố 21 nghi phạm chuyển tiền sang Indonesia với mục đích tài trợ khủng bố, trong đó 7 tên đã lãnh án tù.

Nhật báo Jakarta Post dẫn lời phó chủ tịch PPATK Agus Santoso cho biết ngoài Australia, nguồn tài trợ còn đến từ Hong Kong, Malaysia, Singapore và một số nước khác. Ông tiết lộ: "Có nhiều cách để chuyển tiền, phổ biến nhất là thông qua lao động xuất khẩu Indonesia ở Malaysia, Singapore và các nước Trung Đông".

Tự gây quỹ

Sự bùng nổ những vụ tấn công khủng bố của "sói đơn độc" trong mấy năm gần đây cho thấy các chiến binh thánh chiến IS thường tự kiếm tiền để hành động, không cần tài trợ từ nước ngoài. Đây là hình thức tài trợ quan trọng và nguy hiểm bậc nhất.

Phần lớn "sói đơn độc" là chiến binh hồi hương từ các chiến trường Trung Đông và những tín đồ Hồi giáo cực đoan không thuộc bất cứ tổ chức khủng bố nào. Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, "những con sói này có thể tấn công bất cứ lúc nào với bất kỳ phương tiện nào, đôi khi hết sức rẻ tiền".

Thật vậy, đối với đối tượng này, không cần có nhiều tiền để gây án, chúng tự kiếm tiền bằng những cách rất khó phát hiện. Bộ trưởng Michael Keenan nhận xét: "Cách kiếm tiền của chúng thường không có dấu hiệu gì là bất hợp pháp, thậm chí hết sức đơn giản như trường hợp tên khủng bố dùng xe tải cán người ở TP. Nice, miền Nam nước Pháp".

Tự gây quỹ là một hình thức phổ biến của các tổ chức khủng bố lớn ở Indonesia như Jemaah Islamiyah và các chi nhánh của nó ở Singapore. Hàng tháng, mỗi thành viên đóng 5% thu nhập cá nhân. Đây là một hình thức gây quỹ nuôi sống tổ chức phổ biến ở Indonesia và các nước ĐNA.

Tài trợ dưới danh nghĩa NPO cũng là một kênh quan trọng. Theo điều tra của ASEAN, quỹ của các tổ chức này thường rất khó kiểm soát. Từ đó, một số NPO ở Thái Lan đã ngấm ngầm tài trợ các chiến dịch tuyên truyền của những nhóm Hồi giáo cực đoan tại miền Nam Thái Lan.

Tại Philippines, một số NPO đã dùng tiền quỹ xây dựng nhà ở cho các thành viên tổ chức khủng bố. Các hoạt động này luôn núp bóng hoạt động không vụ lợi, rất khó phát hiện.

Đối phó với các NPO có hoạt động mờ ám dính líu đến những tổ chức khủng bố, các nước ASEAN có những cách làm riêng. Chẳng hạn, Malaysia thực thi chính sách chống khủng bố rất quyết liệt, bao gồm biện pháp giám sát, theo dõi từng hành vi của những thành viên NPO tình nghi quan hệ với khủng bố.

Hệ thống Hawala

Hawala tiếng Ả Rập có nghĩa là "chuyển dịch". Hệ thống chuyển tiền Hawala đã được hình thành lâu đời ở Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác với mục đích tài trợ cho hoạt động thương mại. Nó là hình thức chuyển tiền phổ biến ở Trung Đông hiện nay thông qua mạng lưới đại lý dày đặc ở các nước.

Ngày nay, hệ thống chuyển tiền này là một kênh tài trợ khủng bố ở ĐNA tinh vi, rất khó kiểm soát vì không cần ngân hàng. Đặc điểm này khiến các bộ phận an ninh tài chính ASEAN không nắm được số lượng chính xác tiền tài trợ khủng bố bằng hệ thống Hawala.

Indonesia đã phát hiện nhiều trường hợp IS chuyển tiền tài trợ cho sinh viên Indonesia học tập ở Trung Đông để sau này trở về nước hoạt động cho IS.

Ở Philippines, các tổ chức khủng bố cũng thường nhận tiền chuộc con tin thông qua hệ thống Hawala.

Theo Nguyễn Cao

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm