Tiền cứu trợ chui vào túi khủng bố?
Trong chiến dịch rà soát và điều tra hơn 5.000 vụ chuyển tiền bị nghi có liên quan đến hoạt động tài chính của khủng bố, cơ quan tình báo MI5 của Anh đã phát hiện ra rằng, rất nhiều khoản tiền cứu trợ hoặc nhân đạo của nước này đã chui vào túi khủng bố.
Chuyện này không chỉ xảy ra ở xứ sở sương mù mà ngay cả tiền ủng hộ của Mỹ cũng là một trong những nguồn cung tài chính lớn cho mạng lưới khủng bố trên thế giới.
Báo cáo của MI5 cho hay, các phần tử khủng bố đã dùng hàng ngàn tài khoản khác nhau trong các ngân hàng lớn như Barclays, HSBC, Lloyds TSB và Royal Bank of Scotsland để chuyển tiền.
Điều tra của Cơ quan phát triển quốc tế (DFID) được công bố trên tờ Telegraph của Anh cũng cho biết có tới 200 triệu USD tiền viện trợ tài chính mà Anh gửi đến một số quốc gia ở Trung Đông đã bị lợi dụng và chuyển cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Cũng theo DFID, việc này không chỉ xảy ra trong năm 2015 mà nó ít nhất đã được tái diễn nhiều lần kể từ năm 2010 đến nay.
Trước đó, Anh cũng đã nhận được cảnh báo từ giới chức tình báo Pakistan rằng, một số tổ chức từ thiện của nước này đã lợi dụng số tiền quyên góp người dân ủng hộ cho các nạn nhân của động đất hoặc thiên tai trên thế giới bằng cách chuyển chúng cho những tổ chức khủng bố. Vụ lên kế hoạch tấn công các chuyến bay từ Anh sang Mỹ cách đây 10 năm cũng có liên quan đến số tiền 10 triệu USD được lấy ra từ các quỹ này.
Điển hình nhất trong số vụ việc lạm dụng tiền cứu trợ để cấp cho khủng bố là chuyện xảy ra tại hội từ thiện Jamaat-ud- Dawa có phạm vi hoạt động ở hầu hết các thành phố lớn của Anh.
Hiện, Anh nghi ngờ hội này là tổ chức kế thừa của Lashkar e-Taiba, nhóm phiến quân Hồi giáo bị Chính phủ Pakistan cấm hoạt động từ năm 2002. Jamaat-ud- Dawa cũng đang bị cáo buộc là chủ mưu của vụ tấn công Mumbai (Ấn Độ) làm 171 người thiệt mạng và bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm vận, phong tỏa các tài sản, tài khoản ngân hàng.
Chưa hết, hồi tháng 4-2014, Chủ tịch Ủy ban Từ thiện, cơ quan giám sát các hoạt động từ thiện của Anh, ông William Shawcross đã nhận định, vấn đề đáng lo ngại nhất đối với các tổ chức từ thiện của Anh là việc những phần tử Hồi giáo cực đoan lợi dụng hoạt động từ thiện để tài trợ khủng bố đang ngày càng gia tăng. 3 tổ chức từ thiện ở Anh hiện đang bị điều tra với cáo buộc gây quỹ cho các nhóm khủng bố ở Syria và 7 tổ chức khác hiện đang bị giám sát.
Một số người đã bị bắt giữ do bị tình nghi sử dụng tiền quyên góp cho các nạn nhân trong cuộc xung đột ở Syria vào các hoạt động khủng bố và tội phạm.
Ông William Shawcross cho rằng với nhiệm vụ giám sát hoạt động của khoảng 160.000 tổ chức từ thiện hiện nay, Ủy ban Từ thiện của Anh cần nhiều quyền hạn pháp lý và nguồn vốn hơn nữa để có thể cải thiện hoạt động của mình.
Đồng thời, ông William Shawcross cũng cảnh báo về việc mà ủy ban này vừa phát hiện ra. Đó là có những băng nhóm lừa đảo tiền lương hưu để ủng hộ cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tờ Brebait của Anh hồi cuối tháng 5 cho biết, cảnh sát đã bắt giữ một số thành viên của băng nhóm này có nguồn gốc Arab và theo đạo Hồi. Chiêu trò của bọn chúng là đóng giả cảnh sát, yêu cầu người hưu trí gọi điện cho cảnh sát hoặc ngân hàng của họ ngay lập tức. Trong lúc cuộc gọi được thực hiện, bọn chúng sử dụng máy tính, thu thập thông tin để tiếp cận tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Đã có ít nhất 18 người là nạn nhân trong vụ lừa đảo này, với tổng số tiền thiệt hại lên tới 1,3 triệu USD.
Tại Afghanistan, người ta cũng phát hiện ra Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hàng tháng vẫn bí mật gửi tiền viện trợ cho Chính phủ Afghanistan để mua chuộc lòng trung thành của các nhân vật quyền lực, các nhà lập pháp cũng như chi phí cho các chuyến ngoại giao bí mật và nhà ở cho cán bộ cấp cao. Nhưng một phần số tiền này lại chảy vào túi mạng lưới khủng bố Al-Qaeda khi Afghanistan chuộc con tin là Lãnh sự Afghanistan tại Peshawar (Pakistan) Abdul Khaliq Farahi.
Đó là chưa kể đến vụ việc vào năm 2010, Atiyah Abd al-Rahman, người quản lý tài chính của Al-Qaeda đã vui mừng viết thư chia sẻ với thủ lĩnh Osama Bin Laden (khi đó chưa bị tiêu diệt) rằng chúng đã có thêm số tiền để mua vũ khí và vật dụng cần thiết khác cho các vụ khủng bố thông qua nguồn tiền mặt được CIA gửi thẳng tới dinh thự Tổng thống Afghanistan tại Kabul và 4 triệu USD tiền viện trợ từ các quốc gia khác.
Gần đây nhất, một số báo cáo của các tổ chức từ thiện quốc tế cũng cảnh báo rằng, trong khi nhiều người trên thế giới đinh ninh đang quyên tiền để giúp đỡ hàng triệu người tị nạn từ cuộc nội chiến diễn ra ở Syria thì sự thật là có thể họ đã vô tình ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Một chuyên gia chống khủng bố của Pháp nói: “Rất nhiều tiền được ủng hộ để đưa tới Syria, trong số đó không nghi ngờ gì có một phần đã rơi vào tay các nhóm cực đoan”.
Chuyên gia này cũng khẳng định, chuyện tiền cứu trợ nhân đạo bị lợi dụng đã xảy ra từ những năm 1990. Khi đó, Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác đã sử dụng một số nhà gây quỹ cốt lõi để thu hút tiền từ các nhà tài trợ.
Các tổ chức từ thiện có một số đặc tính khiến chúng dễ bị lợi dụng để khai thác tài trợ cho khủng bố. Thậm chí ở nhiều nước, các quỹ từ thiện chỉ bị kiểm soát bởi một số quy định lỏng lẻo, thậm chí không hề bị kiểm soát (về đăng ký, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và kiểm toán tài khoản...). Họ cũng thường dễ dàng lập quỹ mà không cần vốn pháp định ban đầu hay yêu cầu tối thiểu về nhân viên.
Các tổ chức từ thiện như là một cách cho phép những tổ chức khủng bố huy động, chuyển tiền và phân phối kinh phí cần thiết cho mục đích tuyên truyền, tuyển dụng và đào tạo. Al-Qaeda đã mua chuộc nhân viên trong các tổ chức từ thiện để chuyển tiền từ các chương trình nhân đạo, xã hội hợp pháp cho các hoạt động bất hợp pháp của chúng.
Trong một số trường hợp, mạng lưới này còn thiết lập hệ thống tổ chức từ thiện riêng như một vỏ bọc để huy động tiền trực tiếp. Al-Qaeda cũng sử dụng các tổ chức từ thiện để truyền bá những tư tưởng cực đoan nhất trong Hồi giáo.
Theo Ngọc Khuê
An ninh thế giới