Thương vụ Thái Lan mua tàu ngầm Trung Quốc đổ bể
Thương vụ tàu ngầm giữa Thái Lan và Trung Quốc vẫn chưa hạ màn khi Bộ Quốc phòng Thái Lan làm ngơ đề xuất của Hải quân về việc mua tàu ngầm.
Ngày 5/10, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (CAWAT), dẫn lời Tân Tư lệnh Hải quân Thái Lan, Đô đốc Na Areenij cho biết, kế hoạch trang bị cho Hải Quân nước này ba tàu ngầm phi hạt nhân do Trung Quốc sản xuất có thể bị trì hoãn hoặc xem xét lại.
Tư lệnh Na Areenij cho rằng, Hải quân Thái Lan cần có tàu ngầm, tuy nhiên rõ ràng là sự sụt giảm của nền kinh tế đất nước hạn chế khả năng mua sắm trang thiết bị và vũ khí mới. Chủ trương tiết kiệm có thể ảnh hưởng cả đến các kế hoạch mua sắm tàu ngầm phi hạt nhân của Hải quân.
Việc Thái Lan xem xét lại gói mua sắm này không phải là chuyện gì mới mẻ bởi trước đó Thái Lan cũng từng tuyên bố như vậy. Hãng tin Reuters ngày 15/7 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon thông báo nước này đã hoãn kế hoạch mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ chờ và không đưa lên trình nội các phê chuẩn. Hiện nay hải quân phải tự xem xét và đánh giá là các tàu ngầm này có đáng mua và tăng thêm bao nhiêu chi phí", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Prawit cho biết.
Tàu ngầm S-20 do Trung Quốc sản xuất.
Được biết, chính Bộ trưởng Prawit hồi cuối tháng 6 cho biết Hải quân Thái Lan đã thông qua kế hoạch trị giá 36 tỷ baht, tương đương hơn một tỷ USD, để mua ba tàu ngầm phi hạt nhân của Trung Quốc.
Quyết định được đưa ra hôm 25/6, khi đa số các thành viên của Uỷ ban mua sắm Thái Lan gồm 17 người nhất trí mua tàu ngầm Trung Quốc vì "mức giá hợp lý". Một số thành viên còn lại phân vân với lời mời mua tàu của Hàn Quốc và Đức.
Theo một nguồn tin, Uỷ ban mua sắm bỏ phiếu "đồng ý" mua tàu Trung Quốc, vì chúng "được trang bị vũ khí và công nghệ vượt trội, có khả năng hoạt động ngầm dưới nước". Tuy nhiên, việc trì hoãn lần này làm dấy lên những câu hỏi về mức độ cam kết của Thái Lan trong việc mua những chiếc tàu đầu tiên loại này.
Thái Lan từng tính đến việc mua sắm tàu ngầm từ những năm 1990 của cả Đức và Hàn Quốc, tuy nhiên chưa có thỏa thuận nào đạt được. Hồi tháng 11/2014, tư lệnh hải quân Thái Lan cho biết ông đã xem xét lại việc này.
Việc người Thái Lan mua sắm tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu nó không diễn ra khi mối quan hệ "tình thâm" bấy lâu nay với Mỹ bị rạn nứt sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5/2014.
Quyết định này của chính quyền quân sự một lần nữa đẩy Thái Lan ra xa Mỹ, đồng minh từ 180 năm nay của Thái Lan, nhưng lại kéo Bangkok gần hơn với Bắc Kinh.
Việc Thái Lan dần xa lánh Mỹ đã được ông Martin Sebastian, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng hải và Ngoại giao thuộc Viện Hàng hải Malaysia, nói rằng có vài lo ngại trong khu vực rằng biện pháp của Mỹ đang đẩy Thái Lan về phía Trung Quốc.
“Mỹ đang lạnh lùng với chính quyền quân sự Thái Lan, điều có thể nhìn thấy qua cuộc tập trận Hổ mang vàng”, ông Sebastian nhận định.
Trong khi đó, Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, thuộc trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho rằng quyết định mua tàu ngầm của Thái Lan làm quan hệ giữa 2 đồng minh xấu đi và ảnh hưởng đến chiến lược xoay trục của Mỹ ở khu vực châu Á.
Giáo sư Thitinan cho biết: “Nó đang tạo một chính sách nguy hiểm từ Bangkok, đòi hỏi Mỹ phải cân nhắc giá trị và cả lợi ích của Mỹ (ở khu vực Châu Á) một cách cẩn trọng”.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Thái Lan đóng băng gói mua sắm tàu ngầm với Trung Quốc là do nước này không muốn làm trầm trọng hơn mối quan hệ với Mỹ.
Theo Thùy Dung
Đất Việt