Thượng đỉnh Mỹ-Trung: Tranh chấp biển đảo và ba kịch bản nóng
Về cơ bản, có 3 kịch bản chính về tranh chấp biển đảo tại châu Á có thể diễn ra là: đối đầu, hợp tác và hòa hoãn.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Trung vào ngày 7, 8/6 diễn ra trong bốicảnh cả Washingtonvà Bắc Kinh đều đang ra sức tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CA - TBD). Đặc biệt, khi các mối quan hệ biển đảo ngày càng đan xen nhiều yếu tố lợi ích, thì quan hệ Mỹ - Trung cũng không thoát khỏi vòng xoáy của các tranh chấp.
Có thể nói, cuộc gặp lần này hứa hẹn nhiều chuyển biến trong quan hệ Mỹ - Trung và có ý nghĩa chiến lược. Bởi hai bên đều muốn xây dựng hình ảnh tích cực và khẳng định các cam kết của mình tại khu vực CA - TBD, vốn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của cả hai cường quốc trong thế kỷ 21.
Về cơ bản, có 3 kịch bản chính về tranh chấp biển đảo tại châu Á có thể diễn ra là: đối đầu, hợp tác và hòa hoãn.
Kịch bản 1: Đối đầu
Xu thế đối đầu có thể xảy ra khi cả hai quốc gia đứng từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực. Gần đây, các cáo buộc của Nhà trắng đối với Bắc Kinh về sự xâm nhập và đe dọa an ninh mạng đã phần nào đổ thêm dầu vào lửa cho các vấn đề biển đảo.
Chỉ huy trưởng Quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương Đô đốc Locklear và Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Qi Jianguo |
Đối với Mỹ, an ninh là một sự đảm bảo tuyệt đối cho vị thế siêu cường. Sau chiến tranh Lạnh, Biển Đông đã trở thành nơi thử thách khả năng của người Mỹ. Các lợi ích sống còn về kinh tế- năng lượng, an ninh hàng hải - hàng không và các chiến lược là những điều mà Mỹ thường tuyên bố và đặt lên làm các ưu tiên hàng đầu.
Mâu thuẫn đang có dấu hiệu gia tăng khi hai nước đã xác lập mình ở hai chiến tuyến đối đầu nhau tại CA -TBD. Trong đó, Mỹ ở vị trí cảnh sát biển và người hòa giải xung đột, trong khi TQ lại là bên chủ động gây chiến và khiêu khích.
Từ sau khi Liên bang Xô viết tan rã, chưa khi nào người Mỹ lại quan ngại TQ như hiện nay. Đặc biệt, Bắc Kinh đang muốn thông qua biển Đông để tái hiện con đường siêu cường của Mỹ: đi lên từ "cường quốc biển" kết hợp với "cường quốc lục địa" để trở thành người lãnh đạo thế giới.
Thời gian gần đây, Mỹ đang tích cực tập trận và nâng tầm quan hệ với các nước đồng minh trong khu vực CA - TBD, như sửa đổi Hiệp ước an ninh với Nhật. Chiến lược "xoay trục" và nỗ lực thúc đẩy Hiệp ước đối tác xuyên TBD cho thấy Mỹ đang tích cực nâng cao vị thế chính trị, và thực hiện chiến lược thống nhất các nước trong khu vực về kinh tế.
Tại Diễn đàn Shangri-Lavừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, nước này sẽ điều 60% lực lượng không quân ngoài lãnh thổ, cùng một loạt hệ thống vũ khí tiên tiến nhất tới CA - TBD nhằm thực hiện chính sách "tái cân bằng chiến lược".
Trong khi đó, Tập Cận Bình đang muốn từ bỏ chính sách ngoại giao mờ nhạt của người tiền nhiệm và thúc đẩy "Giấc mộng Trung Hoa" bằng cách tìm kiếm một vai trò lớn hơn tại Biển Đông.Không chỉ thường xuyên cử tàu đến Vịnh Aden ở ngoài khơi bờ biển châu Phi, TQ còn duy trì lượng tàu chiến khá lớn ở TBD và Ấn Độ Dương nhằm giảm vai trò của Mỹ và dùng quân sự để khôi phục giấc mơ Đại Hán.
Từ ý nghĩa đó, xung đột Biển Đông đã buộc Washington phải vào cuộc. Để đảm bảo an ninh và tự do hàng hải, cũng như uy tín với các đồng minh thân cận thì quan hệ Mỹ - Trung có khả năng trở thành đối đầu sâu sắc, ít ra là trên các diễn đàn ngoại giao.
Kịch bản 2: Hợp tác
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng hợp tác giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tập Cận Bình bày tỏ tin tưởng vào cuộc gặp lần này với nhận định "Quan hệ Trung - Mỹ hiện đang ởvào một thời điểm quyết định để xây dựng trên những thành công trong quá khứ, và mở ra những quy mô mới cho tương lai".
Đáp lời, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Donilon tin rằng: "Đối thoại và tương tác cấp cao chưa từng có, cũng như các kênh truyền thông khác giữa quan chức cấp cao hai nước là điều cần thiết để thúc đẩy hiệu quả mối quan hệ của chúng ta".
Xuất phát từ chủ nghĩa tự do với việc đề cao hợp tác và tăng cường đối thoại để xây dựng lòng tin, Washington và Bắc Kinh vẫn còn khá nhiều bất đồng như: vấn đề Triều Tiên, xung đột tại Syria,gián điệp không gian mạng,... Trong đó, vấn đề an ninh biển đảo tại CA - TBD là đảm bảo sống còn cho cả hai cường quốc.
Nhu cầu đảm bảo an ninh biển đảo và giải quyết các vấn đề toàn cầu không thể chấp nhận kịch bản"zero-sum game", mà chỉ có thể là định hướng "win-win". Hợp tác không chỉ để giải quyết các bất đồng mà còn góp phần ngăn chặn xung đột.
Biển Đông đã trở thành tâm điểm cạnh tranh Mỹ - Trung. Giờ đây, việc kết hợp "cái đầu lạnh" của người Mỹ (kêu gọi đảm bảo an ninh hàng hải và giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế) và "trái tim nóng" của Trung Quốc (chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khăng khăng song phương) là giải pháp đáng khích lệ. Nó giúp hai bên cùng nhau ngồi lại và thảo luận các giải pháp đảm bảo an ninh, thay vì đọ sức bằng quân sự và "đấu võ mồm" trên các diễn đàn.
Giải pháp hợp tác cũng có thể là ưu tiên khi TQ, mặc dù là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nhưng vẫn yếu hơn khi Mỹ ngày càng củng cố hệ thống đồng minh hùng hậu tại Đông Á. TQ cũng sẵn sàng hợp tác hơn khi Obama có thể "nhượng bộ chiến thuật" để gắn nước này với các cam kết thịnh vượng tại CA - TBD.
Kịch bản 3: Hòa hoãn
Có thể nói, vấn đề an ninh hàng hải, mà cụ thể là Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là một trong những tâm điểm thảo luận và chi phối quyết định của các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung. Khó có thể nói trước một kịch bản hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, chiến lược hòa hoãn có thể là gợi ý đầy hứa hẹn cho sự kết hợp của chủ nghĩa hiện thực và tự do.
Bản chất của các cuộc gặp gỡ Thượng đỉnh cấp cao là nhằm hướng đến đối thoại và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau. Có hiểu biết mới tin tưởng. Có tin tưởng mới hợp tác thành công. Bản chất quan hệ Mỹ - Trung gắn với xu thế phát triển của quan hệ quốc tế từ sau chiến tranh Lạnh là "hợp tác và cạnh tranh cùng phát triển".
Ông Thẩm Định Lập, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của ĐH Phục Đán (Thượng Hải) nhận định, cốt lõi của Thượng đỉnh Mỹ - Trung là nhu cầu thảo luận những cách thức để tránh đối đầu, gia tăng hợp tác và giữ các bất đồng không vượt tầm kiểm soát. Với xu thế đó, cuộc gặp gỡ lần này có thể bao gồm hợp tác và đối đầu tùy thuộc từng vấn đề.
Đặc biệt, quan hệ biển đảo ở CA - TBD vốn bao gồm nhiều bên tranh chấp, với hàng loạt các vấn đề phức tạp, từ lịch sử tranh chấp đến ưu thế quân sự - ngoại giao, cho đến mức độ thiện chí khi ngồi vào bàn đàm phán. Không dễ gì để Mỹ - Trung đạt được tiếng nói chung trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển tại châu Á. Những tuyên bố có thể chỉ mang tính chất ngoại giao.