Thừa vaccine Covid-19, châu Âu vẫn đối mặt một mùa đông đại dịch
(Dân trí) - Mặc dù thừa vaccine, nhưng châu Âu vẫn đang phải đối mặt với tình trạng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tăng nhanh trở lại.
Dịch bệnh vẫn căng thẳng ở nhiều nước
Lệnh phong tỏa, số ca mắc mới liên tục tăng, tâm lý chần chừ tiêm vaccine của một bộ phận người dân có thể đẩy châu Âu vào một mùa đông đại dịch thứ hai. Các nước Đông Âu có nguy cơ hỗn loạn, trong khi Tây Âu bất ổn nếu dịch vượt kiểm soát.
Mặc dù sớm triển khai tiêm chủng và có nguồn cung vaccine dồi dào hơn so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng hiện châu Âu là khu vực duy nhất ghi nhận số ca nhiễm mới tăng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tuần trước. Đó là tuần thứ 3 liên tiếp số ca Covid-19 mới ở châu Âu tăng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), hiện tại, Đông Âu và Nga là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khi số ca mắc và số ca tử vong vì Covid-19 liên tục tăng. Một trong những nguyên nhân là bởi tâm lý chần chừ tiêm vaccine của một bộ phận người dân.
Hôm 21/10, Latvia trở thành quốc gia đầu tiên ở Liên minh châu Âu (EU) tái áp đặt lệnh phong tỏa trong bối cảnh quốc gia này đối phó với đà tăng số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 do tỷ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp. Tính đến tuần trước, Latvia đã tiêm chủng đầy đủ cho 56% dân số trưởng thành, tỷ lệ tương đối thấp so với mức trung bình khoảng 75% của EU.
Tây Âu cũng chứng kiến tình trạng gia tăng số ca nhiễm bất chấp việc một số quốc gia đã gần hoàn tất tiêm chủng cho toàn bộ người dân. Hôm 23/10, tỷ lệ mắc Covid-19 tại Đức đã tăng lên 100/100.000 người, cao nhất kể từ tháng 5. Bỉ và Ireland hiện có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất ở Tây Âu, với tỷ lệ lần lượt là hơn 325 người và hơn 432 người trên 100.000 dân.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbrouck cho hay, nước này đang trải qua làn sóng Covid-19 thứ tư. Theo Reuters, 85% dân số trưởng thành của Bỉ đã được tiêm chủng đầy đủ, phần lớn các ca nhập viện do Covid-19 là người chưa tiêm chủng.
Sự chênh lệch về độ phủ vaccine đã tạo ra hai bức tranh khác nhau giữa Đông và Tây Âu, nhưng hai khu vực này đều có chung đặc điểm là số ca nhiễm mới tăng nhanh trở lại do nới lỏng các biện pháp hạn chế khi các nước này bắt đầu mở cửa kinh tế. Ngoài ra, sự xuất hiện của biến chủng Delta cùng với thời tiết lạnh khiến các sự kiện hội họp đông người có xu hướng diễn ra trong môi trường trong nhà - điều kiện khiến virus dễ lây lan hơn.
Chần chừ tiêm vaccine
Ở một số nước Tây Âu, số ca Covid-19 mới vẫn tăng. Tuy nhiên, nhờ chương trình tiêm chủng, số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở Tây Âu thấp hơn so với Đông Âu.
Từ đầu tuần này, Romania đã thực thi trở lại lệnh giới nghiêm và cơ chế thẻ xanh vaccine ở hầu hết các địa điểm công cộng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Romania ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên đầu người thuộc nhóm cao nhất thế giới, với 19,25 người trên một triệu dân.
Vấn đề của Romania không phải là thiếu vaccine. Vấn đề là, giống như nhiều quốc gia khác, chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Romania gặp trở ngại bởi tâm lý chần chừ tiêm chủng của một bộ phận người dân cũng như hoạt động tuyên truyền của chính phủ hiệu quả thấp.
Tại nước láng giềng Ukraine, riêng trong ngày 21/10, nước này ghi nhận hơn 22.000 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu dịch. Số người chết vì Covid-19 trong ngày cũng tăng kỷ lục 614 người/ngày. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm chủng để tránh nguy cơ tái phong tỏa đất nước.
Cuối cùng, các trường học tại những điểm nóng Covid-19 của Ukraine vẫn phải đóng cửa, chính phủ áp dụng quy định tất cả người dân khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng phải có giấy xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã tiêm chủng.
Nga cũng đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng chưa từng có. Số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 liên tiếp lập kỷ lục. Thủ đô Moscow buộc phải áp dụng lệnh phong tỏa kéo dài 10 ngày để kiềm chế đà lây lan.
"Không có viên đạn bạc"
Tiến sĩ Peter Drobac, chuyên gia y tế toàn cầu Trường Kinh tế Saïd thuộc Đại học Oxford tại Anh, cho rằng Tây Âu sẽ không rơi vào một cuộc khủng hoảng như năm ngoái khi hàng loạt bệnh viện dã chiến đã được đưa vào sử dụng. "Chính vaccine đã tạo ra sự thay đổi này", chuyên gia Drobac nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, tình hình dịch Covid-19 ở Anh hiện nay cho thấy vaccine không phải "viên đạn bạc" ngầm chỉ giải pháp mang lại hiệu quả ngay tức thì cho một vấn đề. Hiện tại, Anh có số ca mắc mới trong ngày cao nhất ở Tây Âu sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế. Giới chuyên gia y tế cho rằng, Anh nên áp đặt trở lại các biện pháp như quy định đeo khẩu trang bắt buộc hoặc cấp thẻ xanh vaccine giống như nhiều nước châu Âu khác nhằm tránh phải thực thi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn.
Chính phủ Anh đến nay vẫn bác bỏ khuyến nghị này ngay cả khi số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 liên tục tăng. Katherine Henderson, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Cấp cứu Hoàng gia Anh, chia sẻ với Sky News hôm 24/10 rằng, hệ thống y tế của Anh đang trong "tình trạng khủng khiếp" do Covid-19. Các khoa hồi sức cấp cứu trên khắp nước Anh đang phải vật lộn đối phó với lượng bệnh nhân đổ về quá lớn.
Trước tình hình này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hối thúc người dân trên 50 tuổi và những người có nguy cơ lây nhiễm cao nên tiêm chủng mũi vaccine tăng cường do hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm sau 6 tháng.
Các chuyên gia cho rằng, điều này thôi là chưa đủ, đặc biệt là khi các biến chủng mới của SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện. "Chiến lược của Anh tập trung vào việc để vaccine làm tất cả. Nhưng tôi nghĩ như vậy chưa đủ", ông Drobac nói. Ông cho rằng, chiến lược dựa vào những người chưa tiêm chủng nhiễm bệnh để tạo ra miễn dịch cộng đồng cùng với những người trưởng thành đã tiêm chủng là một chiến lược nguy hiểm. Đó là bởi nó có thể khiến tỷ lệ nhập viện và tử vong vì Covid-19 tăng ở mức không thể chấp nhận được.
Theo giới chuyên gia, để tránh một mùa đông đại dịch, châu Âu cần tiếp tục thận trọng, duy trì các biện pháp hạn chế như đeo khẩu trang bắt buộc, tránh hội họp đông người trong không gian kín. Ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh: "Chúng ta không biết đại dịch sẽ ra sao sau 2-3 tháng nữa. Chúng ta vẫn cần phải thận trọng".