1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thủ tuớng Ý Prodi từ chức sau khi bị mất mặt

(Dân trí) - Thủ tướng Italia Romano Prodi hôm thứ Tư vừa rồi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Giorgio Napolitano. Phủ tổng thống Italia cho biết Prodi đã hành động như vậy sau khi thua tại cuộc bỏ phiếu về chính sách đối ngoại quan trọng tại Thượng viện

Tổng thống Napolitano hiện vẫn chưa quyết định liệu có chấp nhận đơn xin từ chức này không và yêu cầu chính phủ hiện tại vẫn duy trì việc điều hành lâm thời.

 

Napolitano sẽ tham khảo ý kiến các lãnh đạo chính trị Italia vào thứ Ba tới, sau đó sẽ quyết định liệu có cần tổ chức một cuộc bầu cử hay chỉ định một thủ tướng mới hoặc chính Prodi.

 

Nhiệm kỳ của Prodi bắt đầu 9 tháng trước đây, sau khi ông vượt qua Silvio Berlusconi với 20.000 phiếu bầu. Ông đã thắng cử với tỷ lệ phiếu bầu rất thuận lợi tại Hạ viện, nhưng tại Thượng viện thì chỉ hơn đối thủ của mình với cách biệt không nhiều.

 

Những vấn đề gây bất đồng

 

Vấn đề mấu chốt gây chia rẽ là cuộc chiến tranh Iraq. Berlusconi ủng hộ cuộc xâm lược của Mỹ, bất chấp đa số các ý kiến phản đối trong nước. Prodi hứa sẽ rút rần 3.000 binh lính Italia tại Iraq vào cuối năm 2006.

 

Nhưng rất nhiều người cánh tả đã từng bỏ phiếu cho Prodi, đã quay lại chỉ trích việc Prodi đã phê chuẩn kế hoạch của quân đội Mỹ mở rộng căn cứ quân sự tại thành phố Vicenza, nơi đóng quân của lữ đoàn không quân 173.

 

Một phiền toái chính trị khác với Prodi là vụ lần đầu tiên tòa án Ý khởi tố 22 nhân viên CIA.

 

Các ủy viên công tố tuyên bố rằng năm quan chức tình báo Italia đã làm việc với người Mỹ, hầu hết là mật vụ CIA – để bắt cóc người bị tình nghi khủng bố Osama Moustafa Hassan Nasr trên đuờng phố Milan vào ngày 17/2/2003.

 

Nasr đã bị bắt cóc lên một chiếc xe và đưa đến căn cứ không quân Aviano gần Venice và từ đó bị đưa lên máy bay đến sân bay Ramstein ở Đức và đến Ai Cập, nơi những người chỉ trích nói ông đã bị tra khảo

 

Bên công tố nói vụ bắt cóc này đã vi phạm chủ quyền Italia, xúc phạm những nỗ lực của Italia trong cuộc chiến chống khủng bố. Họ gây áp lực bắt chính phủ Italia phải yêu cầu dẫn độ những mật vụ của Mỹ. Chính phủ của ông Berlusconi từ chối, và chính phủ của ông Prodi cũng hành động như vậy.

 

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, nếu một cuộc bầu cử được tổ chức vào hiện tại, Berlusconi có thể sẽ thắng với số phiếu vượt không nhiều. Nhưng bất kỳ cuộc bầu cử nào cũng sẽ chỉ được tổ chức sau ít nhất 3 tháng nữa và, ngay cả nếu ông ta thắng cử, sẽ không có gì bảo đảm ông ta sẽ được thành lập một chính phủ với những đồng minh của mình.

 

Trong những tháng gần đây, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cũng tỏ ra lạnh nhạt với đảng của ông Berlusconi.

 

Một nhà phân tích chính trị nói: “Chúng ta đang trong thời kỳ hỗn loạn chính trị kéo dài của nước Ý”

 

T.V
Theo CNN