1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Tunisia từ chức, khủng hoảng chính trị lan rộng

(Dân trí) – Ngày 19/2, Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali đã chính thức từ chức sau khi không thể thành lập một chính phủ mới. Động thái này khiến khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi thêm trầm trọng.

Trước khi từ chức ông Jebali đã có nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm một giải pháp khác cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Tunisia trong một cuộc họp với Tổng thống Moncef Marzouki. 
Thủ tướng 
Thủ tướng Tunisia Jebali

Tuy nhiên nỗ lực thành lập một chính phủ không đảng phải, gồm các nhà kỹ trị của ông Jebali đã thất bại hôm 18/2 khi đảng Hồi giáo cầm quyền Ennahda của chính ông cự tuyệt giải pháp này. Hiện Ennahda đang kiểm soát Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao đồng thời chiếm đa số tại quốc hội và không muốn từ bỏ quyền lực.

“Tôi đã cam kết và đảm bảo rằng, trong trường hợp sáng kiến của tôi thất bại, tôi sẽ từ chức Thủ tướng và đó là việc tôi đã làm”, ông Jebali tuyên bố trên truyền hình. 

“Đây là một nỗi thất vọng lớn’, ông Jebali khẳng định. “Người dân của chúng ta đã bị tầng lớp chính trị làm cho vỡ mộng. Chúng ta cần phải khôi phục lại niềm tin. Thất bại của tôi không có nghĩa là thất bại của đất nước Tunisia hay thất bại của cách mạng”, ông nói tiếp với hàm ý nhắc tới cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali cách đây 2 năm.

Chính trị gia 63 tuổi này cho biết ông tin rằng một chính phủ không đảng phải “là cách tốt nhất để cứu đất nước khỏi chệch hướng”. 

Theo hãng tin AFP, mặc dù có một số ứng viên khác có thể ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng, rất có thể Tổng thống Marzouki sẽ đề nghị ông Jebali thử sức lần nữa. 

Về phần mình ông Jebali khẳng định sẽ không trở lại nắm quyền theo “bất kỳ sáng kiến nào mà không thể đưa ra một thời điểm cụ thể để tiến hành bầu cử”. Hiện có 2 ứng viên khác được nhắc tới cho “chiếc ghế” Thủ tướng Tunisia là Bộ trưởng Y tế Abdelatif Mekki và Bộ trưởng Tư pháp Moureddine Bhiri.
Tình hình 
Tình hình Tunisia hiện vẫn bất ổn

Đề xuất của ông Jebali lần đầu được đưa ra sau những phản ứng dữ dội từ dân chúng trước việc nhà phê bình Chokri Belaid, một người nổi tiếng thẳng thắn trong việc chỉ trích chính phủ đã bị ám sát giữa ban ngay bởi một tay súng bên ngoài nhà của ông tại thủ đô Tunis hôm 6/2. 

Vụ việc đã khơi mào cho những căng thẳng giữa những người tự do và người Hồi giáo. Gia đình của Belaid cáo buộc đảng Ennahda đứng đằng sau vụ ám sát, một cáo buộc đã bị những người Hồi giáo một mực phủ nhận. 

Theo tờ Guardian của Anh, cùng ngày ông Jebali từ chức, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đã hạ bậc tín nhiệm của Tunisia do bất ổn chính trị. Động thái này khiến tình hình kinh tế vốn khó khăn của quốc gia Bắc Phi thêm trầm trọng.  

Vốn lệ thuộc lớn vào xuất khẩu sang châu Âu cũng như du lịch, Tunisia đã bị tác động mạnh bởi những bất ổn trong nước cũng như khủng hoảng tài chính mà các đối tác thương mại của họ tại châu Âu phải đối mặt.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại nước này lên tới 18% trong khi lạm phát ở mức 10%. Trong năm 2011, kinh tế Tunisia sụt giảm 1,8% và chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm 2012. S&P nhận định với những bất ổn hiện tại kinh tế nước này sẽ chưa thể phục hồi trong năm nay. 

Thanh Tùng
Tổng hợp