Guinea
Thủ tướng từ chức, ủng hộ lãnh đạo cuộc đảo chính
(Dân trí) - Lãnh đạo cuộc đảo chính ở Guinea đã củng cố thêm được quyền kiểm soát đất nước, khi hôm qua Thủ tướng, phục vụ dưới thời tổng thống mới qua đời, từ chức cùng với hàng chục lãnh đạo khác trong chính phủ và ủng hộ lãnh đạo cuộc đảo chính.
Trong khi một số người đón chào lãnh đạo quân sự mới, đại tá Moussa Camara, thì một số người tỏ ra lo lắng. Họ sợ người đàn ông này cũng sẽ cố bám trụ ở chiếc ghế quyền lực như người tiền nhiệm đã qua đời, và kéo dài thêm khủng hoảng chính trị tại Guinea.
Trước đó, Camara đã yêu cầu Thủ tướng Ahmed Tidiane Souare và các lãnh đạo khác trong chính phủ Guinea cùng các lực lượng vũ trang ra khỏi nơi ẩn náu và tự giao nộp mình ở một căn cứ quân sự trong vòng 24 giờ. Nếu không, Camara đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tìm kiếm trên cả nước đối với họ.
Mẹ của ông Souare, bà Aissatou, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng thông tấn AP rằng con trai bà hiện không còn là thủ tướng nữa, và ông cùng với các bộ trưởng khác đã tới doanh trại quân đội để tránh bị tìm kiếm.
Đài phát thanh tư nhân Liberte FM đã cho phát trực tiếp thông điệp của ông Souare gửi tới lãnh đạo cuộc đảo chính: “Chúng tôi đã ở trong tay ngài”. Đài phát thanh còn cho biết, ông Camara sau đó nói các lãnh đạo chính phủ đã được thả tự do. Nhưng hiện chưa rõ họ ở đâu.
Camara bắt tay cùng Thủ tướng vừa từ chức.
Cuối ngày hôm qua, người đứng đầu các lực lượng vũ trang trong quân đội Guinea, tướng Camara Diarra, cũng đã tự đến nộp mình ở căn cứ quân sự như đại tá Moussa Camara yêu cầu. Cùng với đó còn có người đứng đầu cơ quan cảnh sát và hải quan Guinea.
Những diễn mới ở Guinea cho thấy các lãnh đạo cuộc đảo chính đang ngày một củng cố thêm quyền lực của mình, kể từ vài giờ sau khi tổng thống Conte qua đời. Ông Souare đã không xuất hiện trước công chúng sau khi nhóm người của Camara tuyên bố đã tiến hành một cuộc đảo chính vào thứ ba vừa qua, mặc dù ngày hôm sau ông có tuyên bố vẫn đang nắm quyền trong chính phủ.
Sau đó, Camara tự tuyên bố là tổng thống lâm thời của Guinea và cam kết sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng hai năm nữa. Tuy nhiên nhiều người trong cộng đồng quốc tế cho rằng 2 năm là khoảng thời gian quá dài.
Cộng đồng quốc tế kêu gọi một cuộc chuyển giao hòa bình, dân chủ
Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Guinea tổ chức một cuộc bầu cử “dân chủ và minh bạch” trong vòng 3 tháng đầu của năm 2009.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Sarkozy cho biết Pháp “thực sự lo lắng” cho tình hình ở Guinea. Họ cho rằng cần phải tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và tự do trong một thời gian ngắn và dưới sự giám sát của quốc tế. Ngoài ra Pháp còn kêu gọi “một cuộc chuyển giao hòa bình, trật tự và dân chủ”.
Trên đài phát thanh ngày hôm qua, ông Camara cho biết không có ý định làm ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng 12/1010. Nhưng nhóm của ông muốn tái lập lại trật tự và muốn triệt tận gốc nạn tham nhũng và cảnh báo ông sẽ không lùi bước.
Theo hiến pháp Guinea, chủ tịch quốc hội Aboubacar Sompare sẽ là người đảm nhiệm vị trí của Tổng thống khi ông qua đời. Tuy nhiên, hiện giờ chưa biết ông Aboubacar Sompare đang ở đâu. Ông này đã không xuất hiện kể từ sau khi thông báo cái chết của Tổng thống Conte vào sớm ngày thứ ba trên đài truyền hình quốc gia và kêu gọi người Guinea chấp hành theo luật, đó là đưa ông lên làm tổng thống.
Trong khi đó, một số người ở thủ đô Conakry cho biết đã sẵn sàng cho sự thay đổi, thoát khỏi chế độ trước. Hôm thứ tư vừa qua, hàng ngàn người đã xuống đường, bày tỏ sự ủng hộ đối với Camara khi ông này dẫn đầu đoàn xe quân sự tiến vào dinh tổng thống.
Tuy nhiên ở bắc Guinea, cách thủ đô gần 1.000km, một số tỏ ra lo lắng, bởi nhóm của ông Camara mới đầu đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày, nay lại thay đổi. “Tất cả chúng tôi đều lo lắng. Mặc dù tôi cũng có vui mừng, nhưng vẫn thấy bất an”, Yahya Sako, một thợ sửa TV và đài ở thị trấn Siguiri cho biết. “Liệu những người trong quân đội này có tiếp tục nắm giữ quyền lực?”
Sẽ tổ chức tang lễ cho cố Tổng thống vào ngày hôm nay
Cố tổng thống Conte trong một bức ảnh năm 2005.
Cho đến khi Tổng thống Conte qua đời, Guinea nằm dưới sự lãnh đạo của hai người kể từ năm 1958, khi nước này giành được độc lập từ tay thực dân Pháp. Ông Conte đầu tiên cũng lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1984 sau khi người tiền nhiệm đột ngột qua đời. Sau đó ông Conte tiếp tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1993, 1998 và 2003 trong nhiều tranh cãi.
Ông Conte qua đời vào tối ngày thứ hai vừa qua, nhưng cho đến nay tang lễ vẫn chưa diễn ra. Theo phong tục Hồi giáo, người chết thường được chôn trong vòng 24 giờ sau khi chết.
Hôm qua, Camara đã hứa sẽ tiến hành “một lễ tang lớn” dành cho ông Conte vào ngày hôm nay. Thi thể của ông sẽ được đưa đến một sân vận động ở Conakry vào sáng ngày hôm nay, 26/12, tới Nhà thờ lớn trước khi được chôn cất. Nhóm của Camara cũng cho biết sẽ đảm bảo an ninh cho các nguyên thủ quốc gia nước ngoài và các quan chức khác muốn tới tham dự đám tang.
Guinea là nhà sản xuất bauxit, được dùng để sản xuất alumium, lớn nhất thế giới. Nước này còn là "vựa" vàng, kim cương và quặng sắt lớn. Theo các nhà phân tích, nước nằm ở ngã ba của nhiều con sông lớn ở Tây Phi này có thể sản xuất đủ điện năng để cung cấp cho cả khu vực.
Tuy nhiên nền kinh tế của Guinea đang sa sút nghiêm trọng, với 10 triệu dân nằm trong số những người nghèo nhất thế giới. Guinea từng là một nước xuất khẩu lương thực sang các quốc gia lân cận trước khi bị tàn phá bởi nạn tham nhũng, lạm phát và thất nghiệp.
Phan Anh
Theo AP