Thủ tướng Trung - Nhật đua nhau thăm Cuba để cạnh tranh ảnh hưởng
(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản và Trung Quốc tuần này có các chuyến thăm nối tiếp nhau tới Cuba, trong bối cảnh hai cường quốc Đông Á tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại đất nước vùng Caribê. Tại Havana, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp với Chủ tịch Cuba Raul Castro và anh trai ông, lãnh tụ Fidel Castro.
Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,3 tỷ yên cho Cuba
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm Cuba từ 22-24/9. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm tới Cuba. Ngay sau đó, Thủ tướng Trung Quốc có chuyến thăm Cuba kéo dài 4 ngày, từ 24-28/9.
AFP đưa tin, tại Havava, Thủ tướng Abe ngày 22/9 đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, trong đó hai bên nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế song phương thông qua các khoản đầu tư của Nhật Bản và việc Tokyo xóa 2/3 trong tổng số nợ 180 tỷ yên (1,75 tỷ USD) cho Cuba, tức 120 tỷ yen (1,3 tỷ USD). Ông Abe cũng công bố khoản viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 1,3 tỷ yen (12,9 triệu USD) trong lĩnh vực y tế cho Cuba.
Báo Mainichi cho hay, trrước cuộc hội đàm với ông Raul Castro, Thủ tướng Nhật Bản cũng có cuộc gặp với lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Truyền thông quốc tế đã đăng tải hình ảnh về cuộc gặp này tại thủ đô Havana.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, hơn 30 thỏa thuận có thể được ký kết trong chuyến thăm Cuba của Thủ tướng Lý Khắc Cường, bao gồm các hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng mới, chế tạo và bảo vệ môi trường.
Trung Quốc có quan hệ kinh tế thân thiết với Cuba và là đối tác thương mại thứ 2 của Havana. Chủ tịch Trung Quốc đã tới thăm Cuba hai lần, trong khi các nhà lãnh đạo Fidel và Raul Castro đã có nhiều chuyến thăm tới Trung Quốc.
Fan Hesheng, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ La-tinh tại Đại học An Huy, nói với Thời báo Hoa nam Buổi sáng rằng Thủ tướng Lý sẽ gia tăng sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo Cuba, trong khi nhấn mạnh tầm quạn của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực Mỹ La-tinh.
Chuyến thăm của ông Abe tới Cuba diễn ra sau khi Cuba và Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao sau 54 năm thù địch và cấm vận thương mại. Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử tới Cuba.
Vài tháng trước khi quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba được thiết lập trở lại hồi tháng 7 năm nay, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã tới thăm Havana và gặp gỡ lãnh tụ Cuba Fidel Castro.
Ông Abe gặp gỡ lãnh tụ Cuba Fidel Castro ngày 22/9 (Ảnh: Reuters)
“Việc cải thiện quan hệ Mỹ-Cuba đã tạo cơ hội để Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với Cuba”, Hiroko Maeda, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc gia thuộc Viện PHP ở Tokyo, nhận định. “Lần này, sứ mệnh lớn nhất của Tokyo là có được sự hợp tác về kinh tế”.
Ông Abe cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, quốc gia có quan hệ thân thiệt với Cuba, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ đối với các vấn đề như vị thế của Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc.
Cạnh tranh ảnh hưởng
Sự nối tiếp nhau trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe và Thủ tướng Lý Khăc Cường đã khiến nhiều người liên tưởng tới sự kình địch giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Đông Nam Á và châu Phi.
Bắc Kinh và Tokyo đã cạnh tranh xây dựng các dự án đường sắt cao tốc tại Indonesia và Thái Lan và Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi được xem là nhằm cạnh tranh với Diễn đàn hợp tác Trung-Phi của Trung Quốc.
Tuy nhiên, giáo sư Su Hao tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng trong trường hợp của Cuba, Thủ tướng Abe không có ý định thách thức các lợi thế lâu dài của Trung Quốc. “Chuyến thăm phản ánh nhu cầu của Nhật Bản nhằm thâm nhập vào một thị trường mới và tìm kiếm các cơ hội tại hòn đảo này”, ông nói.
Ông Fan Hesheng cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Cuba được xem là một nỗ lực nhằm cạnh tranh với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, trong bối cảnh nhiều quốc gia “để mắt” tới Cuba kể từ khi nước này khôi phục quan hệ với Mỹ.
“Bên cạnh Nhật Bản, các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha cũng quan tâm tới việc mở rộng tại các thị trường Mỹ La-tinh và Cuba là một sự khởi đầu tốt đối với họ. Giống Nhật Bản, họ không thể đợi ngoài lề và xem Mỹ và Trung Quốc chia nhau lợi ích ở Mỹ La-tinh, một khu vực mà các quốc gia châu Âu từng cai trị thời thuộc địa”, ông Fan nói.
An Bình