1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Thaksin bị lật đổ vì tội “khi quân”?

(Dân trí) - Theo tuyên bố của Hội đồng cải cách hành chính (ARC), cơ quan mới được lực lượng đảo chính thành lập nhằm nắm quyền tạm thời tại Thái Lan, thủ tướng Thaksin bị cáo buộc đã phạm tội “khi quân”. Đây phải chăng là nguyên nhân khiến cho ông bị lật đổ?

Theo một luận văn được coi là chấn động mới được công bố tại Thái Lan của nhà nghiên cứu người Mỹ Duncan McCargo, đức vua Bhumibol mặc dù không trực tiếp nắm quyền lực nhưng vẫn duy trì được ảnh hưởng gần như tuyệt đối với các chính trị gia được bầu lên ở nước này. Sức mạnh của Đức vua được thực hiện thông qua một "mạng lưới hoàng gia" bao gồm các nhân vật có tư tưởng bảo hoàng nắm giữ các cương vị cao trong hệ thống chính quyền, kể cả cấp cao nhất của quân đội.

 

Mặc dù bài luận của Duncan McCargo vẫn còn gây tranh cãi, nhưng theo nhà báo Shawn W Crispin trên tờ Asia Times, ông Thakssin đã gạt ra bên lề một loạt quan chức cao cấp của chính phủ nhằm làm giảm ảnh hưởng của Hoàng gia lên hệ thống chính trị, củng cố quyền lực của thủ tướng nhằm đối chọi lại với ảnh hưởng của Đức vua Bhumibol. Đây là điều không thể chấp nhận được. 

 

Chính vì thế, giữa Thaksin và Hoàng gia thường xuyên có những hành động không ăn khớp với nhau, nhất là các vấn đề liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự vào các vị trí quan trọng trong chính phủ. Năm 2001, khi Thaksin ra lệnh cách chức Kasem Watanachai và Palakorn Suwannarat, hai quan chức cao cấp được cho là có lập trường bảo hoàng, vua Bhumibol lập tức bổ nhiệm ngay họ vào Hội đồng Cơ mật.

 

Giữa thủ tướng và Hội đồng Cơ mật cũng thường xuyên có chuyện xích mích xung quanh vấn đề cải tổ nhân sự hàng năm, theo đó Thaksin luôn bị Hoàng gia cáo buộc là tìm cách đưa người thân cận vào các vị trí trọng yếu. Điển hình là năm 2003, ông đã bổ nhiệm một người anh em họ, tướng Chaisit Shinawatra, vào chức Tư lệnh Lục quân, chức vụ cao cấp nhất trong quân đội, một vị trí mà trước đó nhiều đồng minh của ông ta đã lần lượt đảm nhiệm.

 

Theo nhà báo Shawn W Crispin, vụ đảo chính lần này có thể cũng xuất phát từ mâu thuẫn giữa chính phủ với quân đội liên quan tới vấn đề cải tổ nhân sự trong quân đội. Theo đó, nhiều nguồn tin cho biết ông Thaksin đang có ý định bổ nhiệm một người bạn cũ thời còn là học viên quân sự vào các chức vụ chỉ huy của Sư đoàn Lục quân số 10. Kế hoạch cải tổ này đã làm cho Thaksin xung đột với một số thành viên cao cấp trong Hội đồng Cơ mật. Việc ông đã từ chối rút bản đề xuất nhân sự mới có thể là một trong những yếu tố khiến cho các tướng lĩnh quyết định phải đảo chính.

 

Tờ Asia Times trích dẫn một nguồn tin thông thạo về vấn đề này cho biết Thaksin định đưa thiếu tướng Prin Suwanthat lên làm Tư lệnh Sư đoàn Lục quân số 10, với nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh cho khu vực thủ đô Bangkok. Nếu việc này làm xong thì tướng Prin Suwanthat phối hợp cùng phó Tư lệnh đương nhiệm Pornchai Kranlert sẽ tạo thành cặp bài trùng làm cho quyền lực của Thaksin vững như bàn thạch.

 

Nếu ông Thaksin phải ra đi, rất có thể Thái Lan sẽ bước vào một tiến trình cải cách chính trị sâu rộng, trong đó quân đội và Hoàng gia sẽ có ảnh hưởng rất lớn, giảm bớt quyền hành của chính quyền dân sự, hạn chế vai trò củacác đảng phái chính trị và tăng cường cơ chế "kiểm soát và cân bằng" về chính trị mà Thaksin bị cáo buộc là đã tìm cách phá vỡ.

 

Gần như chắc chắn đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) của ông Thaksin sẽ bị giải tán một cách "hợp pháp", mở đường cho một cuộc tập hợp lực lượng mới giữa các phe phái chính trị để hình thành nên những đảng có quy mô "thường thường bậc trung", giống như bối cảnh chính trường Thái Lan thập niên 1990, sau cuộc đảo chính gần đây nhất năm 1991 và tái lập nền dân chủ do cuộc biểu tình đẫm máu của dân chúng tại Bangkok năm 1992.

 

Quan trọng hơn, việc Thaksin buộc phải rời bỏ chính trường sẽ cho phép Hội đồng Cơ mật và Hoàng cung tiến hành chuyển đổi thế hệ một cách êm thấm, tiếp tục duy trì vai trò của Hoàng cung ở vị trí trung tâm của xã hội Thái. Lịch sử Thái Lan luôn cho thấy nước này luôn lùi một bước để tiến lên hai bước. Việc phe quân đội tiến hành cuộc đảo chính một cách êm thấm cho thấy dường như họ đã giành được sự ủng hộ tuyệt đối về tinh thần từ Đức vua Bhumibol.

 

Ngọc Nhàn

Theo Asia Times

Dòng sự kiện: Đảo chính ở Thái Lan