Thủ tướng Thái Lan Srettha bị bãi nhiệm
(Dân trí) - Tòa án Hiến pháp Thái Lan phán quyết, Thủ tướng Srettha Thavisin đã vi phạm các quy định về đạo đức khi bổ nhiệm người có tiền án vào nội các.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm nay 14/8 đã đưa ra phán quyết về đơn kiến nghị bãi nhiệm Thủ tướng Srettha Thavisin. Theo đó, Tòa án kết luận, Thủ tướng Srettha Thavisin đã vi phạm các quy định về đạo đức khi bổ nhiệm một luật sư từng ngồi tù vào nội các.
Với phán quyết này, Tòa án Hiến pháp Thái Lan quyết định bãi nhiệm Thủ tướng Srettha.
Ông Srettha trở thành thủ tướng Thái Lan thứ 4 trong vòng 16 năm bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm.
Ông Srettha bị bãi nhiệm sau khi nhậm chức chưa đầy 1 năm. Diễn biến mới này có thể khiến chính trường Thái Lan vốn không yên ả càng thêm biến động.
Sau khi ông Srettha bị bãi nhiệm, quốc hội Thái Lan sẽ triệu tập một cuộc bỏ phiếu để bầu ra thủ tướng mới.
Theo một số chuyên gia chính trị, nhiều khả năng Pheu Thai vẫn sẽ có quyền lãnh đạo chính quyền tiếp theo."Liên minh vẫn đoàn kết. (Vụ Thủ tướng Srettha bị bãi nhiệm) có thể có một số tác động đến niềm tin, nhưng đó chỉ là trong thời gian ngắn", Olarn Thinbangtieo, Phó trưởng Khoa Khoa học Chính trị và Luật, Đại học Burapha, nhận định.
Hiện các ứng viên thủ tướng tiềm năng gồm có Paetongtarn Shinawatra - con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra; Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul; Bộ trưởng Năng lượng Pirapan Salirathavibhaga và Prawit Wongsuwan, một cựu tư lệnh quân đội có ảnh hưởng lớn.
Trước đó, ông Wissanu Krea-ngam, cố vấn của Thủ tướng Srettha, cho biết ông Srettha không thể giữ vai trò thủ tướng lâm thời nếu bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm. Thay vào đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Phumtham Wechayachai sẽ trở thành thủ tướng lâm thời.
Trả lời câu hỏi liệu ông Srettha, 1 trong 3 ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai, có thể được tái bổ nhiệm làm thủ tướng nếu bị bãi nhiệm hay không, ông Wissanu nói: "Tôi nghĩ là có, nhưng chúng ta phải chờ phán quyết của tòa".
Hồi tháng 5, 40 thượng nghị sĩ Thái Lan đã đệ đơn kiến nghị Tòa án Hiến pháp nước này xem xét tư cách của Thủ tướng Srettha Thavisin. Động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng Srettha bổ nhiệm cựu luật sư Pichit Chuenban làm Chánh Văn phòng thủ tướng trong đợt cải tổ nội các.
Năm 2008, ông Pichit cùng với 2 đồng nghiệp bị kết án 6 tháng tù vì coi thường tòa án sau khi bị cáo buộc tìm cách hối lộ các quan chức tòa án bằng 2 triệu baht (55.218 USD) đựng trong hộp thức ăn. Sau vụ việc, ông Pichit bị treo giấy phép hành nghề luật sư 5 năm.
Những người chỉ trích chính phủ cho rằng ông Pichit được bổ nhiệm vào nội các do có mối quan hệ thân thiết với một khách hàng là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã trở về Thái Lan vào năm 2023 sau 15 năm sống lưu vong.
Tuy nhiên, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke bác bỏ cáo buộc của các thượng nghị sĩ và cho biết chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng trình độ chuyên môn của ông Pichit.
Ông Srettha Thavisin (61 tuổi) là cái tên mới trên chính trường Thái Lan dù là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực bất động sản.
Ông Srettha chỉ mới gia nhập đảng Pheu Thai, đảng giành nhiều phiếu thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 năm ngoái. Ông Srettha được Pheu Thai chọn làm ứng viên thủ tướng và được quốc hội Thái Lan bầu vào tháng 8/2023 sau khi liên minh do đảng Tiến bước (MFP) dẫn đầu thất bại trong việc thành lập chính phủ.
Mặc dù có ít kinh nghiệm chính trường, song ông được đánh giá có kinh nghiệm về mảng kinh tế, thương mại. Ông Srettha từng cho biết ưu tiên của ông là kích thích nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Vụ kiện nhằm vào Thủ tướng Srettha diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Thái Lan chậm. Chính phủ Thái Lan dự đoán kinh tế nước này chỉ tăng trưởng khoảng 2,7% trong năm nay, thấp hơn so với các nền kinh tế tương đương ở khu vực.