Thủ tướng Thái Lan lên tiếng về tin đồn đảo chính
(Dân trí) - Chính phủ Thái Lan đã bác bỏ tin đồn về một cuộc đảo chính có thể diễn ra, khẳng định văn bản lan truyền trên mạng xã hội được coi là bằng chứng cho thông tin trên là giả.
Straits Times đưa tin, Thái Lan ngày 11/2 đã chính thức lên tiếng về tin đồn liên quan tới đảo chính xuất hiện trên mạng xã hội nước này hôm qua.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nói với các nhà báo rằng thông tin đảo chính là “tin giả” và những tài liệu lan truyền trên internet về việc sa thải các tướng lĩnh hàng đầu đều không phải sự thật.
“Vấn đề này đang được điều tra và kẻ chủ mưu sẽ bị trừng phạt”, ông Prayut cho biết.
“ThaiCoup” (đảo chính ở Thái Lan) đã lọt vào danh sách từ khóa phổ biến hàng đầu trên mạng xã hội Twitter từ ngày 10/2 sau khi các tài liệu giả được lan truyền trên mạng.
Tuy nhiên, không chỉ các văn bản giả làm dấy lên tin đồn trên. Ngày 9/2, giới chức tỉnh Phichit đã ban hành sắc lệnh chỉ thị lực lượng cảnh sát chống bạo động trong tình trạng báo động cao, làm gia tăng những nghi ngờ trên mạng internet về âm mưu đảo chính. Cảnh sát tỉnh này đã khẳng định đây chỉ là động thái nhằm duy trì trật tự thông thường.
Tin đồn tiếp tục lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội sau khi người dùng đăng tải các bức ảnh xe tăng xuất hiện trên đường phố. Chính quyền Thái Lan sau đó xác nhận các phương tiện này có nhiệm vụ vận chuyển hỏa lực để chuẩn bị tham gia cuộc tập trận thường niên Rắn hổ mang vàng (Cobra Gold) sắp diễn ra.
Những tin đồn xuất hiện trong bối cảnh Thái Lan đối mặt với 2 thông tin gây chú ý liên quan tới cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/3. Chị gái Nhà vua Maha Vajiralongkorn, bà Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi, ngày 8/2 thông báo sẽ tranh cử thủ tướng. Tuy nhiên, động thái của bà được cho là đã phá vỡ đi truyền thống hoàng gia và đã bị em trai, Nhà vua Vajiralongkorn, phản đối. Đảng Raksa Chart đề cử bà Ubolratana đã quyết định tuân theo mệnh lệnh của Nhà vua, rút lại việc đề cử bà.
Chính quyền quân đội hiện đang nắm quyền quản lý Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014. Trong lịch sử, quốc gia Đông Nam Á đã trải qua 12 cuộc đảo chính kể từ khi đi theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932. Một cuộc đảo chính diễn ra bên trong một cuộc đảo chính không phải là khái niệm mới tại nước này, theo Straits Times.
Đức Hoàng
Theo Straits Times