Thủ tướng Thái Lan điều trần cáo buộc lơ là trách nhiệm
(Dân trí) - Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm nay (31/3) sẽ phải ra điều trần cáo buộc lơ là trách nhiệm liên quan đến chương trình trợ giá gạo trước Ủy ban chống tham nhũng quốc gia. Nếu bị xác định có tội, bà Yingluck có thể buộc phải từ chức.
Bà Yingluck đã bị Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) triệu tập vào hôm nay sau khi đề xuất gia hạn thời gian điều trần của bà bị từ chối. Trong vòng vài tuần sau phiên điều trần, bà có thể phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu buộc tội tại thượng viện.
Chương trình trợ giá gạo, vốn thu mua gạo của nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường, đã trở thành tâm điểm chỉ trích từ các đối thủ chính trị của bà, những người nhiều tháng qua đã tổ chức những cuộc biểu tình lớn trên khắp các đường phố Bangkok, hòng lật đổ chính phủ.
Những người này cho rằng chương trình trợ giá đã gây thua lỗ lớn cho ngân sách, đe dọa ngành sản xuất gạo và dung túng cho tham nhũng, trong khi chỉ nhằm mục đích ủng cố vị thế của bà Yingluck tại các khu vực bầu cử ở nông thôn.
NACC đã đưa ra những cáo buộc chống lại vị nữ thủ tướng hồi tháng 2 vừa qua, khẳng định bà phớt lờ những cảnh báo về chương trình này.
Về phần mình, bà Yingluck khẳng định mình vô tội, nhưng nếu bị xác định có tội, bà có khả năng phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu luận tội tại thượng viện, và một lệnh cấm tham gia chính trị trong vòng 5 năm, đồng thời không loại trừ khả năng bị phạt tù vì các tội danh hình sự.
Cho đến đêm qua, vẫn chưa rõ liệu bà Yingluck sẽ trực tiếp chống lại các cáo buộc hay chỉ cử các luật sư tới làm việc với NACC.
Norrawit Larlaeng, một trong những luật sư của vị nữ thủ tướng tuyên bố thân chủ của mình chưa được cung cấp đủ thời gian để chuẩn bị cho việc phản bác cáo buộc.
“Cuộc điều tra chống lại bà ấy được tiến hành vội vã, và thật không công bằng khi chúng tôi không được thấy bằng chứng”, vị luật sư nói.
Các nhà quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan có vẻ như đã bước vào giai đoạn then chốt.
Các cuộc bỏ phiểu để bầu một phần trong số 150 ghế tại thượng viện – chiếm tỷ lệ đa số mong manh tại cơ quan này – đã diễn ra suôn sẻ trong hôm qua với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt khoảng 40%. Phần còn lại trong thượng viên do các cơ quan bị xem là đồng minh với phe chống chính phủ bổ nhiệm, bao gồm cả Tòa hiến pháp và Ủy ban bầu cử.
Cơ cấu tại thượng viện Thái Lan đang được theo dõi chặt chẽ, với nhận định cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm luận tội vị thủ tướng.
Mặc dù về mặt chính thức đây là một cơ quan phi đảng phái, nhưng hai phe đối lập chính trên chính trường Thái Lan là đảng Dân chủ đối lập và đảng Pheu Thai cầm quyền của bà Yingluck đều đang cố giành quyền kiểm soát thượng viện, trong bối cảnh hạ viện không thể nhóm họp sau khi cuộc bầu cử hồi tháng 2 bị Tòa hiến pháp tuyên bất hợp lệ.
Những kết quả không chính thức được công bố trong tối qua cho thấy chắc chắn các ứng viên đắc cử đều từ 2 đảng này. Hầu hết các ứng viên nổi trội đều là các cựu bộ trưởng, nghị sỹ, người thân của các chính trị gia hoặc thành viên của hai đảng trên.
Thanh Tùng
Tổng hợp