1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng tạm quyền Thái Lan đề xuất ngày bầu cử

(Dân trí) - Thủ tướng tạm quyền Thái Lan hôm qua đã bất ngờ đề nghị tổ chức bầu cử vào ngày 3/8 trong động thái nhằm ngăn chặn một cuộc đảo chính có thể sẽ lại xảy ra sau khi quân đội ban bố thiết quân luật mà không tham vấn chính phủ.

Thủ tướng tạm quyền Boonsongpaisan.
Thủ tướng tạm quyền Boonsongpaisan.

Nhà lãnh đạo tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan cho biết ông đã gửi đề nghị lên Ủy ban bầu cử (EC) và đang chờ đợi quyết định cuối cùng của cơ quan này.

“Chính phủ đã gửi thư đến EC đề xuất tổ chức bầu cử vào ngày 3/8, thời điểm mà tôi cho là thích hợp. Nếu EC nhất trí thì chúng tôi sẽ ra sắc lệnh vào tuần tới”, ông Niwatthamrong phát biểu với các phóng viên.

Đề xuất trên được đưa ra vài giờ sau khi quân đội Thái Lan ban bố thiết quân luật trên phạm vi cả nước. Quân đội giải thích quyết định này nhằm vãn hồi trật tự và an ninh sau nhiều tháng bạo loạn. Tuy nhiên, giới phân tích nghi ngờ đây là “một cuộc đảo chính trá hình” vì trước đó chính phủ không hề được tham vấn.  

Đề cập tới quyết định của quân đội, ông Boonsongpaisan hối thúc lực lượng này hành động trong khuôn khổ hiến pháp.

“Bất cứ hành động nào cũng cần đi theo con đường hòa bình, không bạo lực, không phân biệt đối xử và đảm bảo công bằng dựa trên pháp quyền. Quân đội cần hành động trong khuôn khổ hiến pháp", ông nói.  

Thủ tướng tạm quyền Thái Lan khẳng định sẽ thảo luận với Tư lệnh Lục quân “càng sớm càng tốt” để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Đáp lại, Tướng Prayuth Chan-ocha chỉ nói rằng tình trạng thiết quân luật sẽ được duy trì đến khi hòa bình và trật tự được lập lại. Ông cam kết quân đội sẽ có biện pháp bảo vệ dân thường và không quên hối thúc các phe phái chính trị đàm phán tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng tại Thái Lan rơi vào bế tắc sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện tháng 12 năm ngoái và lên đến đỉnh điểm đầu tháng này khi một tòa án cách chức bà Yingluck cùng 9 thành viên nội các vì cáo buộc lạm quyền.

Các cuộc biểu tình đã liên tục xảy ra, khi thì của những người Áo Đỏ ủng hộ chính phủ của bà Yingluck, lúc của những người theo phe của thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban.

Ngay cả khi tình trạng thiết quân luật được ban bố, những người chống chính phủ vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh trong “trận chiến cuối cùng” cho tới khi đạt được mục tiêu lật đổ hoàn toàn chính phủ hiện nay.

Tình hình bất ổn tại Thái Lan khiến Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đều đã bày tỏ quan ngại, kêu gọi có các giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng trên tinh thần tôn trọng các quy tắc dân chủ ở Thái Lan.

Vũ Anh
Theo AFP