1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt-Ấn đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Economic Times của Ấn Độ về mối quan hệ giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 27-29/10.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi.
 
Thưa Ngài Thủ tướng, chuyến thăm lần này của Ngài, cũng như chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống và Ngoại trưởng Ấn Độ có phải là dấu hiệu của quan hệ gần gũi giữa hai nước? Những lĩnh vực hợp tác nào sẽ được mở rộng trong chuyến thăm của Ngài tới Ấn Độ? Ngài mong đợi điều gì từ chính phủ mới của Ấn Độ và từ chuyến thăm này? Các công ty Ấn Độ có cơ hội đầu tư nào ở Việt Nam? Các công ty Việt Nam mong muốn đầu tư vào những lĩnh vực nào của Ấn Độ?

Thủ tướng: Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, đã cùng nhau gần gũi và gắn bó lâu đời. Mối quan hệ này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai nước luôn đoàn kết, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong các công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cũng như trong bảo vệ và xây dựng đất nước ở mỗi nước.

Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó và tin cậy thông qua hàng loạt các chuyến thăm và tiếp xúc ở tất cả các cấp và trên tất cả các kênh. Đặc biệt là từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đã và đang có những phát triển nhanh chóng, trên các lĩnh vực trụ cột là chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, khoa học- công nghệ và văn hóa, giáo dục. Hai nước hiện đã trở thành những đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều 5 năm qua tăng bình quân 16%/năm. Năm 2013 đạt 5,3 tỷ USD tăng 32% so với năm 2012. Phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều vượt mục tiêu 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020.

Chuyến thăm của tôi lần này được tiến hành theo lời mời của Ngài Thủ tướng Narendra Modi. Dự kiến tôi sẽ cùng Ngài Thủ tướng và các nhà Lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ trao đổi nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị gắn bó và Đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhân dịp chuyến thăm, hai bên cũng sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp để đẩy mạnh hơn nữa cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước. Dự kiến sẽ có nhiều thỏa thuận, hợp đồng được ký kết dịp này.

Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, quan hệ giữa hai nước tiếp tục có những bước phát triển mới, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trước đó, cả Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên, ngoài khu vực Nam Á để đi thăm trong vòng 100 ngày kể khi Ấn Độ có chính phủ mới. Đây là một thông điệp mạnh mẽ cho thấy hai nước tiếp tục đặc biệt coi trọng và ủng hộ lẫn nhau.

Là hai nền kinh tế đang phát triển hết sức năng động ở châu Á, đồng thời lại có mối quan hệ chính trị và hữu nghị truyền thống hết sức tốt đẹp. Việt Nam và Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, xây dựng hạ tầng, kết nối hàng không, dầu khí, nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, quốc phòng - an ninh, giáo dục, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân. Hai nước cũng sẽ bàn để có thể tranh thủ các thế mạnh của mỗi bên, nhất là tạo điều kiện để Ấn Độ cung cấp nguyên phụ liệu, hàng hóa cần thiết cho Việt Nam trong ngành dệt may, hóa chất và các ngành công nghiệp. Việt Nam hợp tác với Ấn Độ trong các ngành nông, thủy sản và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, chúng tôi cũng muốn tận dụng những cơ hội tạo ra từ những chương trình cải cách to lớn mà chính phủ của Ngài Thủ tướng Narendra Modi đã đề ra gần đây, trong đó có chương trình xây dựng “100 thành phố thông minh” và “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India).

Làm thế nào để Ấn Độ và Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng và đối tác chiến lược và những lĩnh vực hợp tác mới là gì?

Thủ tướng: Trên cơ sở quan hệ hợp tác, Đối tác chiến lược tốt đẹp giữa hai nước, hai bên sẽ bàn và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư; đồng thời mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác về hàng không, du lịch, khoa học công nghệ, văn hóa và giáo dục…

Hợp tác quốc phòng -  an ninh hai nước thời gian qua đã có những bước phát triển tốt đẹp, trong đó có các lĩnh vực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đào tạo, xây dựng năng lực, phòng chống tội phạm … được hai bên coi là một trụ cột quan trọng của Đối tác chiến lược. Dự kiến, trong chuyến thăm này, tôi sẽ trao đổi và thống nhất với các nhà lãnh đạo Ấn Độ về những phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực này nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.

Nhu cầu năng lượng của Ấn Độ ngày càng tăng. Theo Ngài, hai nước có thể hợp tác như thế nào trong lĩnh vực này?

Thủ tướng: Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hợp tác về thăm dò, khai thác dầu khí từ năm 1988. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này ngày càng phát triển. Các công ty của Ấn Độ như tập đoàn ESSAR và tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ là những đối tác tích cực và có hiệu quả.
Chúng tôi tiếp tục tạo các điều kiện thuận lợi và bảo đảm lợi ích của các công ty Ấn Độ trong lĩnh vực này.

Theo Thủ tướng thì Việt Nam có thể đảm bảo lợi ích của các công ty dầu khí nước ngoài đang hiện diện tại ở Biển Đông hay không? Làm thế nào để các nước trong khu vực hợp tác, kiểm soát tình hình và ổn định khu vực?

Thủ tướng: Những bất ổn, căng thẳng vừa qua tại Biển Đông đã cho thấy rõ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có liên quan, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Việt Nam tin rằng nếu các bên liên quan kiên trì giải quyết theo tinh thần và nguyên tắc nêu trên thì mọi bất đồng đều có thể được kiểm soát được, căng thẳng sẽ không phát sinh.

Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế bình thường giữa các công ty dầu khí Việt Nam và các đối tác nước ngoài, trong đó có các đối tác Ấn Độ, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp của Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
 
PV