Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn tạp chí Time
(Dân trí) - Ngày 20/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Time, về các biện pháp giảm lạm phát, chống tham nhũng và về mong đợi của Thủ tướng trong chuyến công du Mỹ.
Time: Làm thế nào ngài có thể kìm hãm được lạm phát 2 con số mà không làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Có nhiều nhân tố dẫn đến những khó khăn về kinh tế hiện tại. Do mức độ cởi mở của nền kinh tế, nên Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi lạm phát toàn cầu. Do Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới chỉ mới hơn một năm, nên chuyện phản ứng tức thì đối với những tác động trái chiều của nền kinh tế toàn cầu đối với chúng tôi vẫn là điều khá mới mẻ. Chính phủ chúng tôi trân trọng và sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm của các nước khác và của các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Chúng tôi đã có nhiều biện pháp (để kiềm chế lạm phát). Chính sách tiền tệ đang được thắt chặt. Ngoài ra, chúng tôi cũng giảm chi tiêu của chính phủ và những khoản đầu tư lãng phí cho các doanh nghiệp nhà nước. Chúng tối sẽ cắt giảm khoảng 25% ngân sách chính phủ và các khoản chi tiêu cho các doanh nghiệp nhà nước. Lạm phát ở 5 tháng đầu trong năm ở mức rất cao. Tuy nhiên hiện nó đang giảm dần. Tăng trưởng GDP trong 5 tháng đầu vẫn đạt hơn 7%, và xuất khẩu của chúng tôi vẫn đạt 27%.
Việc cắt giảm chi phí sẽ ảnh hưởng đến những dự án hạ tầng quan trọng như thế nào?
Tôi có thể đảm bảo rằng đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, như điện, đường sá, cảng biển, vẫn được tiếp tục. Chúng tôi sẽ cắt giảm đầu tư vào những dự án không quan trọng, đặc biệt là các dự án kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.
Ngài mong đợi gì trong chuyến đi tới Washington?
Tôi tới Washington theo lời mời của Tổng thống Mỹ. Mục đích là để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác xây dựng đa phương giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi.
Là một nước sản xuất nông nghiệp lớn, Việt Nam hiểu rõ việc nông dân châu Âu và Mỹ được chính phủ trợ giá, và hiểu rõ việc này có thể ảnh hưởng tới tình trạng lạm phát giá lương thực như thế nào. Đây có phải là một trong những vấn đề ngài sẽ thảo luận ở Washington?
Tôi sẽ đưa ra vấn đề này. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Năm nay chúng tôi đã xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sáng nay tôi đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan (nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) và chúng tôi đã nhất trí khuyến khích xuất khẩu thêm gạo tới các thị trường quốc tế để giúp bình ổn giá lương thực.
Chúng tôi biết ngài sẽ gặp Alan Greenspan (cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ) trong chuyến đi lần này. Vậy ngài sẽ thảo luận với ông ấy những gì?
Tôi đã biết ông ấy khi tôi làm Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Tôi rất muốn được nghe ông ấy đánh giá về tình hình kinh tế Mỹ, kinh tế toàn cầu và kinh tế châu Á. Tôi cũng muốn có góp ý của ông về kinh tế Việt Nam.
Liệu những khó khăn về kinh tế hiện tại có khiến các nhà đầu tư nước ngoài giảm lòng tin khi xây dựng các nhà máy và đầu tư vào các lĩnh vực khác ở Việt Nam hay không?
Những nhân tố cơ bản thu hút các nhà đầu tư ở đây vẫn được đảm bảo. Chính phủ vẫn tiếp tục cố gắng tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, cởi mở, và minh bạch hơn. Thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn có đánh giá tích cực về tương lai phát triển trung hạn cũng như dài hạn của Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm tháng đầu năm nay là 15,3 tỷ USD, tăng 134,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đang phải đối mặt với những khó khăn tạm thời, nhưng cũng đã có những biện pháp hiệu quả đẩy lùi những khó khăn đó. Tôi tin rằng những nhà đầu tư khôn ngoan sẽ tiếp tục đầu tư ở Việt Nam.
Khi được bầu làm Thủ tướng, ngài đã tuyên bố một trong những mục tiêu chính của ngài là đẩy lùi tham nhũng. Vậy mục tiêu đó đã được thực hiện đến đâu và ngài có thể tiếp tục làm gì?
Tham nhũng không phải là vấn đề chỉ ở riêng một số nước, đó là vấn đề toàn cầu. Chúng tôi hiểu rằng để đẩy lùi được tham nhũng, chúng tôi cần phải có những biện pháp mạnh mẽ và toàn diện. Chúng tôi biết các cơ quan làm luật cần phải được cải thiện. Chúng tôi cần phải củng cố các thị trường tài chính của chúng tôi và làm cho chúng minh bạch hơn. Chúng tôi cần phải nhanh chóng cải cách bộ máy hành chính, lương của cán bộ công chức phải được tăng để họ có thu nhập khá hơn và tránh xa những rắc rối. Hành vi tham nhũng phải bị xử phạt nghiêm khắc.
Obama hay McCain? McCain có quá khứ gắn với Việt Nam nhiều hơn, nhưng Obama lại có quãng thời gian thơ ấu sống ở Indonesia. Vậy ông thích ai làm Tổng thống Mỹ hơn?
(Cười) Chúng tôi hi vọng có thể hợp tác chặt chẽ với bất kỳ ai làm Tổng thống.
Phan Anh
Theo Time