1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc WEF Đông Á

(Dân trí) - Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm nay 6/6 đã có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 22 tổ chức tại Naypyidaw, Myanmar, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế thị trường năng động, cạnh tranh.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tại WEF Đông Á ở Myanmar, ngày 6/6. (Ảnh AFP)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) tại WEF Đông Á ở Myanmar, ngày 6/6. (Ảnh AFP)

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự WEF Đông Á theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Tham dự Hội nghị có trên 900 đại biểu đến từ chính giới, học giả, các doanh nghiệp hàng đầu và các tổ chức xã hội của khu vực và thế giới. Tổng thống Philppines Benigno Aquino, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Phó Thủ tướng Campuchia Keat Chhon, Tổng Thư ký ESCAP, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi, Giám đốc điều hành Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) Helen Clark, Phó Tổng thư ký OECD, Phó Chủ tịch ADB Stephen P. Groff cũng tham dự Hội nghị lần này.

 

Dưới chủ đề “Sự chuyển đổi mạnh mẽ vì phát triển bền vững và hội nhập” Hội nghị WEF Đông Á 2013 tập trung thảo luận 3 nội dung chính gồm thúc đẩy sự chyển đổi toàn diện của Myanmar; thực hiện hội nhập khu vực; mở rộng quy mô các giải pháp khu vực vì khả năng ứng phó toàn cầu.

 

Phát biểu tai phiên khai mạc của Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế thị trường năng động, cạnh tranh, nơi mà tất cả các thành phần kinh tế đều có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình, đồng thời luôn chủ động, tích cực đưa nền kinh tế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; tự do lưu thông thương mại và đầu tư thông qua liên kết kinh tế; và hợp tác tin cậy, hiệu quả giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới.

 

Đối với tiến trình hội nhập khu vực của ASEAN, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng với Myanmar và các nước thành viên khác tăng cường hợp tác liên kết, kết nối trên các lĩnh vực để cùng có lợi, cùng phát triển và đóng góp thiết thực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nỗ lực tăng cường kết nối và liên kết kinh tế của các nước trong khu vực tiểu vùng Mê Công là một cấu phần khổng thể thiếu, trong đó có việc xây dựng các tuyến hành lanh kinh tế, điển hình là tuyến hành lang kinh tế Đông –Tây (EWEC). Thủ tướng cũng đề nghị các quốc gia tăng cường hợp tác nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của hành lang và kêu gọi khu vực doanh nghiệp đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương dọc tuyến hành lang vì lợi ích của doanh nghiệp, của cộng đồng và của cả khu vực.

 

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein tại Phủ Tổng thống. Hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng dành thời gian tiếp một số Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tập đoàn hàng đầu của khu vực và thế giới đang quan tâm và mong muốn đầu tư tại Việt Nam.

 

PV