1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến lãnh đạo Pháp

Chiều 25/9 (giờ địa phương), tại Thủ đô Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande; Chủ tịch Thượng viện Pháp Jean- Pierre Bel.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Tổng thống Francois Hollande đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault; tin tưởng việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực.

Tổng thống Francois Hollande khẳng định ủng hộ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, viện trợ phát triển, an ninh-quốc phòng… Pháp tiếp tục ủng hộ quan hệ Việt Nam với EU trên cơ sở Hiệp định quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), ủng hộ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU và hợp tác trên các diễn đàn quốc tế...

Bày tỏ vui mừng trở lại thăm nước Pháp tươi đẹp, mến khách đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và sự đón tiếp trọng thị mà Nhà nước, Chính phủ Pháp và Tổng thống Francois Hollande đã dành cho Đoàn Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là hết sức coi trọng quan hệ với Pháp; cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược là bước ngoặt quan trọng, thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao hai nước, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp thường xuyên hơn nữa, nâng cấp cơ chế Đối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng hai nước lên cấp Thứ trưởng và tương đương, tăng cường hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương hai nước... Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, nhất là diễn đàn Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Francois Hollande khẳng định Pháp ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hai nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh 2 bên cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại-đầu tư, nhất là việc thúc đẩy các dự án lớn và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Pháp tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam, trong đó ưu tiên tài trợ cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (cải tạo, nâng cấp nước đô thị, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải), năng lượng sạch, đào tạo nghề, sản xuất nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị Pháp tăng thêm chỉ tiêu học bổng cho sinh viên Việt Nam sang theo học tại Pháp.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Jean- Pierre Bel, chiều 25/9. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Jean- Pierre Bel, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là hết sức coi trọng quan hệ với Pháp.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những yếu tố làm nên tính đặc thù của quan hệ Việt-Pháp là sự gần gũi về lịch sử và văn hóa, tình cảm hữu nghị truyền thống và gắn bó giữa nhân dân hai nước, nhất là qua hợp tác giữa các địa phương; nhiều cơ chế hợp tác đã được định hình và phát triển ổn định trên tất cả các lĩnh vực; sự tương đồng quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.

Thông báo tới Chủ tịch Thượng viện về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Pháp đã được đẩy mạnh trong những năm qua, góp phần quan trọng vào tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước nói chung và giữa cơ quan lập pháp hai nước nói riêng. Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa kênh hợp tác liên nghị viện trên cơ sở những Thỏa thuận mà Quốc hội Việt Nam đã ký kết với Thượng viện Pháp.

Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Thượng viện Jean- Pierre Bel nhấn mạnh, việc hai nước nâng tầm lên Đối tác chiến lược là bước ngoặt quan trọng, thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ của Lãnh đạo cấp cao hai nước, đưa quan hệ Pháp-Việt Nam đi vào chiều sâu, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước. Chủ tịch Thượng viện Jean- Pierre Bel mong muốn Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Pháp tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, nhất là hợp tác trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tư pháp trong khuôn khổ Thỏa thuận về hợp tác pháp luật và tư pháp ký ngày 10/2/1993.

Chủ tịch Thượng viện Jean- Pierre Bel khẳng định ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, hợp tác giữa các địa phương hai nước, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Thượng viện Jean- Pierre Bel nhất trí cho rằng, hai nước cần tiếp tục đưa kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam-Pháp đạt con số ấn tượng hơn vào thời gian tới, triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác, thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của 2 nước.

Theo Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc
Chinhphu.vn