1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thủ tướng Đức thăm Nga: Đi tìm cái kết đẹp

"Kỷ nguyên vàng" Nga - Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Vladimir Putin sẽ kết thúc, nhưng hợp tác song phương sẽ không vì thế mà dừng lại.

Thủ tướng Đức thăm Nga: Đi tìm cái kết đẹp - 1

Bà Angela Merkel sẽ có chuyến thăm Moscow cuối cùng trên cương vị Thủ tướng Đức, gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/8 tới. (Nguồn: AP).

Theo thông cáo từ hai bên, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tới Moscow và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/8.

Đây là lần đầu tiên bà Merkel tới Moscow kể từ tháng 1/2020. Tuy nhiên, nó có thể là chuyến thăm Nga và công du cuối cùng của bà trên cương vị Thủ tướng Đức, trước khi nhường vị trí này sau bầu cử ngày 26/9 tới.

Tuy nhiên, đó không chỉ là yếu tố duy nhất khiến chuyến thăm này trở nên đáng chú ý. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng mang tới một số điều chỉnh cần thiết trước khi bà Merkel rời nhiệm sở.

Hóa giải bất đồng

Đầu tiên, ngày 12/8, Anh và Đức đã phối hợp bắt giữ một cựu nhân viên Đại sứ quán Anh tại Berlin ở Potsdam (Đức) tình nghi làm gián điệp Nga.

Theo Văn phòng Công tố Đức, David Smith, 57 tuổi, quốc tịch Anh, đã chuyển tài liệu cho tình báo Nga để đổi lấy tiền mặt kể từ tháng 11/2020. Đáng chú ý, trong đó có thông tin liên quan tới 20 sỹ quan Cục tình báo mật Anh (MI6) tại Đức. Cảnh sát đã tiến hành lục soát căn hộ và nơi làm việc người này để phục vụ quá trình điều tra.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christofer Burger khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng và chỉ trích hoạt động gián điệp bởi công dân nước đồng minh là "không thể chấp nhận". Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Cơ quan Tình báo Nước ngoài Nga (SVR) và Đại sứ quán Nga tại Berlin chưa đưa ra bình luận.

Đây là vụ việc mới nhất trong vô vàn sự cố trong quan hệ Nga - Đức dưới thời bà Merkel như vụ tấn công mạng vào Bundestag năm 2015, công dân Georgia gốc Chechnya được cho là bị ám sát tại Berlin năm 2019 và vụ chính trị gia đối lập người Nga Aleksei Navalny bị tình nghi đầu độc.

Thêm vào đó, Đức và Liên minh châu Âu (EU) nói chung vẫn ủng hộ Ukraine và duy trì thái độ phản đối chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea. Sau khi thăm Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tới Kiev, gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/8 tới. Hai bên sẽ thảo luận nhằm gỡ rối, đồng thời đảm bảo lợi ích của Ukraine khi Dòng chảy phương Bắc 2 hoạt động.

Tuy nhiên, quan hệ song phương dưới thời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tương đối ổn định. Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo đều từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Đông Đức đóng vai trò quan trọng trong thành công này.

Bà Merkel và ông Putin thường xuyên điện đàm với lần gần đây nhất là ngày 21/7. Hợp tác giữa Moscow và Berlin, bất chấp nhiều cấm vận chung từ Mỹ với EU, vẫn đạt hiệu quả, thể hiện rõ nét thông qua dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Có lẽ Thủ tướng Angela Merkel muốn sớm tháo gỡ bài toán dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tạo tiền đề cho người kế nhiệm củng cố quan hệ với tất cả các bên, từ đó khép lại kỷ nguyên cầm quyền một cách không thể đẹp hơn.

Cái kết đẹp

Trong bối cảnh đó, các bên kỳ vọng rằng chuyến thăm Nga cuối cùng của bà Angela Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức sẽ tạo tiền đề để người kế nhiệm tiếp tục xây dựng quan hệ song phương.

Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo sẽ thỏa luận về triển vọng phát triển hợp tác song phương trên các lĩnh vực, cũng như một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Phát biểu ngày 22/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định: "Chúng tôi luôn tiến hành thương lượng với bất kỳ quốc gia nào dựa trên các giá trị và lợi ích. Tôi tin rằng chúng ta nên cởi mở trong duy trì đối thoại với Nga".

Nhận định về chuyến thăm này, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Đức thuộc Viện châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexander Kamkin cho rằng, bà Merkel và ông Putin sẽ thảo luận về năng lượng và an ninh chung của châu Âu, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng và hiểu lầm giữa Nga và các đối tác phương Tây.

Đồng thời, Đức và Nga sẽ tiếp tục tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề Ukraine. Chủ đề này đang trở nên ngày một cấp thiết, trong bối cảnh Kiev đang cố gắng gắn chủ đề duy trì quá cảnh khí đốt của Moscow và chương trình nghị sự năng lượng. Không loại trừ khả năng hai bên cũng thảo luận về triển vọng hợp tác một khi Berlin có nội các mới.

Trong khi đó, chuyên gia Konstantin Blokhin tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh, Viện Hàn lâm Khoa học Nga tin rằng, chủ đề về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là trọng tâm trong cuộc thảo luận tới giữa lãnh đạo Nga và Đức. Theo ông, đây là vấn đề then chốt trong quan hệ song phương và liên quan tới hai nhân tố lớn khác là Ukraine và Mỹ.

Nhận định này có cơ sở nếu nhìn vào chuỗi chuyến thăm của Thủ tướng Angela Merkel. Tháng trước, bà thăm Washington, thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuối tuần này, bà tới Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Có lẽ Thủ tướng Angela Merkel muốn sớm tháo gỡ bài toán dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tạo tiền đề cho người kế nhiệm củng cố quan hệ với tất cả các bên, từ đó khép lại kỷ nguyên cầm quyền một cách không thể đẹp hơn.