1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Anh đề nghị hoãn “ly hôn” EU thêm 3 tháng

(Dân trí) - Thủ tướng Anh Theresa May hôm nay đã viết thư cho Liên minh châu Âu (EU) đề nghị trì hoãn việc Anh "ly hôn" khối này (Brexit) thêm 3 tháng, trong bối cảnh chỉ còn 9 ngày nữa là đến thời điểm Anh rời EU theo kế hoạch.

Các nghị sĩ la ó khi Thủ tướng Anh công bố đề nghị lùi Brexit

 

thu tuong anh 1.jpg

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước quốc hội ngày 20/3 (Ảnh: PA)

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019, sau một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016 khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi khối này. Tuy nhiên, Thủ tướng May muốn trì hoãn Brexit cho tới ngày 30/6.

Phát biểu tại quốc hội hôm nay, Thủ tướng Theresa May cho biết bà đã gửi một lá thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, trong đó bà nói cần thêm thời gian để thỏa thuận Brexit được các nghị sĩ Anh thông qua.

Thủ tướng May nhấn mạnh Anh vẫn định rời khỏi EU theo “một cách có trật tự” và bà muốn trì hoãn việc này chỉ 3 tháng. Bà May cũng tuyên bố có thể từ chức nếu Quốc hội Anh hoặc EU buộc việc trì hoãn này kéo dài thêm.

Trước đó, Quốc hội Anh đã 2 lần bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May rất vất vả mới đạt được với EU thông qua các cuộc đàm phán kéo dài.

Trong thư gửi ông Tusk, bà May nói bà muốn tổ chức một cuộc bỏ phiếu nữa về thỏa thuận Brexit trong tuần này, nhưng Chủ tịch Quốc hội Anh John Bercow ngay lập tức đã ngăn cản điều đó. “Tôi vẫn có ý định đưa thỏa thuận trở lại quốc hội”, bà May nói.

thu.jpg

Lá thư của bà May gửi Liên minh châu Âu hôm nay (Ảnh: Reuters)

Quyết định của bà May đã nhanh chóng đối mặt với sự chỉ trích của phe đối lập. Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn lên tiếng cáo buộc bà đang đưa nước Anh vào “khủng hoảng, hỗn loạn và chie rẽ. Chúng ta sẽ vẫn rời EU một cách hợp pháp sau 9 ngày nữa”.

Như vậy là gần 3 năm sau khi người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu và chỉ còn 9 ngày nữa là tới thời hạn chót chính thức, các chính trị gia Anh vẫn tranh cãi về việc bằng cách nào, khi nào, và thậm chí là liệu nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có rời khỏi liên minh mà nước này tham gia vào năm 1973 hay không.

Hai năm trước, khi bà May ấn định thời điểm chính thức rời EU là vào ngày 29/3/2019 bằng việc kích hoạt điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon (một phần hiệp định của EU quy định thủ tục để một thành viên rời khỏi khối liên minh 28 quốc gia), bà tuyên bố nước Anh sẽ không thể quay lại. Tuy nhiên, việc quốc hội từ chối phê chuẩn thỏa thuận Brexit bà mà đàm phán với EU đã khiến chính phủ Anh rơi vào khủng hoảng.

Thủ tướng May nói việc trì hoãn Brexit không loại trừ khả năng Anh có thể rời EU mà không có thỏa thuận.

Công đảng đối lập thì cho rằng bằng việc trì hoãn trong một thời gian ngắn, bà May đang ép các nghị sĩ phải lựa chọn giữa việc chấp nhận 1 thỏa thuận mà họ đã 2 lần từ chối hoặc là phải rời EU mà không có thỏa thuận.

Còn các thành viên ủng hộ Brexit từ đảng Bảo thủ của bà May thì phản đối trì hoãn Brexit dài hơn 3 tháng vì lo ngại rằng điều đó có nghĩa là Brexit có thể không bao giờ xảy ra.

An Bình