1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thứ trưởng Mỹ: Ngành bán dẫn Việt Nam hứa hẹn nhưng có 2 nút thắt

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nhiều công ty bán dẫn Mỹ coi Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng nhưng còn vướng 2 nút thắt là nhân lực chất lượng cao và nguồn điện tái tạo, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez.

Thứ trưởng Mỹ: Ngành bán dẫn Việt Nam hứa hẹn nhưng có 2 nút thắt - 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez trong một sự kiện sáng 26/1 tại Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).

"Chip bán dẫn là một trong những tâm điểm của chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi. Và nó chứa đựng rất nhiều hứa hẹn", Thứ trưởng Fernandez nói trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 26/1 tại Hà Nội.

Hợp tác về chip bán dẫn là nội dung được đưa vào Tuyên bố chung của Việt Nam và Mỹ khi 2 nước nâng cấp quan hệ vào tháng 9/2023.

Tuy nhiên, ông Fernandez - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường - lưu ý rằng Mỹ không thể "ra lệnh" cho các công ty của họ đầu tư vào Việt Nam.

"Những công ty ấy có nhiều lựa chọn. Vì thế, thông điệp của tôi tới các đồng nghiệp ở Việt Nam: Hãy giành lấy khoảnh khắc này trong bối cảnh có sự cạnh tranh", Thứ trưởng Mỹ nói.

Vấn đề nhân lực

"Có những công ty đang nói với chúng tôi rằng họ muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân sự đủ năng lực", ông Fernandez nói và bổ sung rằng không chỉ Việt Nam mà ở Mỹ cũng có tình trạng thiếu nhân lực ngành bán dẫn.

Thiếu nhân lực là một trong những chướng ngại vật trên hành trình xây dựng vị thế ngành bán dẫn của Việt Nam.

Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết hồi tháng 10/2023, theo Vietnam Plus.

Thứ trưởng Fernandez ngày 26/1 tái khẳng định cam kết của Mỹ giúp Việt Nam đào tạo 50.000 kỹ sư trong những năm tới, thông qua các khoản hỗ trợ từ quỹ do đạo luật CHIPS của Mỹ thành lập. Việt Nam là một trong 7 nước được Mỹ hỗ trợ từ quỹ này, có tên viết tắt là ITSI.

Mỹ đã đề nghị Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị về cách cải thiện nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam.

"Trong 1-2 tháng tới, chúng tôi sẽ nhận được khuyến nghị từ OECD", ông Fernandez nói. "Một phần nội dung chúng tôi trao đổi hôm nay là về cách thực thi các khuyến nghị đó".

Thứ trưởng Mỹ: Ngành bán dẫn Việt Nam hứa hẹn nhưng có 2 nút thắt - 2

Chip bán dẫn trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy tại Khu công nghiệp công nghệ cao ở Thái Lan. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez khuyến khích Việt Nam giành lấy cơ hội trong bối cảnh có cạnh tranh thu hút đầu tư từ các tập đoàn bán dẫn (Ảnh: Bloomberg).

Nhất cử lưỡng tiện

Một nút thắt nữa cho các công ty bán dẫn muốn đầu tư vào Việt Nam là về năng lượng sạch.

"Hiện tại có 15 công ty bán dẫn nói với chúng tôi rằng họ đã sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam", ông Fernandez nói. "Tất cả đều đã cam kết với cổ đông và khách hàng rằng họ sẽ chỉ sử dụng năng lượng tái tạo. Vì thế, họ đang chờ đợi Việt Nam mở rộng cơ chế năng lượng tái tạo".

Nhiều công ty bán dẫn lớn của Mỹ đã đưa ra các cam kết về môi trường, như Intel tuyên bố sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030. AMD cũng cam kết rằng 80% lượng điện mà các nhà cung cấp sản xuất trực tiếp của tập đoàn này sử dụng sẽ tới từ năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Không chỉ các tập đoàn Mỹ và ngành bán dẫn, sản xuất "xanh" đang trở thành mục tiêu mà doanh nghiệp đa quốc gia ở nhiều nước hướng tới.

"Đây là cơ hội để thực hiện cùng lúc 2 điều và cả 2 điều này đều có lợi cho người dân Việt Nam. Đó là mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn và tăng cường độ sẵn có của năng lượng sạch tại Việt Nam", Thứ trưởng Fernandez nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm