Thủ lĩnh Hezbollah - Người hùng hay khủng bố?
Thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, có lẽ là một trong những nhân vật được nhìn nhận dưới nhiều lăng kính trái ngược nhất. Nhiều người coi ông là người hùng của thế giới Arập, trong khi với người khác ông lại là một tên khủng bố nhẫn tâm.
Syed Hassan Nasrallah sinh ngày 31/8/1960 tại một khu phố phía đông Beirut. Tuổi thơ của Hassan qua đi nhanh chóng khi nội chiến nổ ra tại Libăng giữa hai cộng đồng người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.
Gia đình Nasrallah buộc phải chạy về phía nam, trước khi Hassan quyết định tới thành phố Najaf của Iraq (một trong những trung tâm của cộng đồng người Shiite) để vào học tại trường tôn giáo ở đây.
Việc Saddam Hussein lên nắm quyền sau đó và bắt đầu hạn chế quyền lực của người Shiite đã khiến Hassan quay trở lại Libăng, gia nhập vào phong trào Amal của người Shiite. Năm 20 tuổi Hassan nhanh chóng được bầu vào ban lãnh đạo của tổ chức này.
Thế giới bắt đầu biết đến cái tên Hezbollah vào ngày 23/10/1983, sau vụ đánh bom trại lính thủy quân lục chiến Mỹ và Pháp tại Beirut. Năm 1984, các tay súng Hezbollah đã cho nổ một quả bom khác ngay cạnh Đại sứ quán Mỹ.
Ngoài ra, Hezbollah còn tổ chức nhiều chiến dịch quân sự khác chống lại Israel, cướp máy bay, bắt cóc nhiều quan chức của Mỹ v.v... Trong thời gian này, Nasrallah bắt đầu nổi lên là một quan chức có uy tín cao trong Hezbollah với những quyết định và hành động mạnh mẽ.
Thủ lĩnh trẻ tuổi của Hezbollah đã cho thành lập cả một cơ quan báo chí tuyên truyền riêng cho mình. Kênh truyền hình riêng Al-Manar của họ đứng thứ ba trong các kênh có uy tín nhất tại Libăng. Hezbollah còn triển khai một loạt các đài phát thanh (trong đó có cả tiếng Do Thái) và các website của mình trên Internet.
Nasrallah thi hành một chính sách xã hội rất có hiệu quả bằng việc đầu tư rất nhiều tiền bạc khôi phục những khu nhà đổ nát của người dân, sau khi Israel rút quân vào năm 2000. Hezbollah cho xây dựng cả một hệ thống tòa án, nhà trẻ, trường học, bệnh viện và cả siêu thị cho người dân.
Với những chính sách dân túy này, không có gì ngạc nhiên khi liên minh Hồi giáo cực đoan do Hezbollah đứng đầu tại miền Nam đã giành được tới 23 ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 6/2005.
Bản thân Nasrallah không bao giờ ưa thích chuyện được sùng bái cá nhân. Ông ta đã ra lệnh thay thế tất cả những chân dung của mình trên đường phố phía nam Beirut bằng hình ảnh những thành viên nổi tiếng của Hezbollah đã thiệt mạng, đồng thời cấm báo chí của tổ chức tâng bốc mình.
Các chuyên gia Israel đánh giá rằng, không có một lãnh tụ Hồi giáo nào có thể hiểu rõ phương Tây bằng Nasrallah. Dù cố thể hiện không quan tâm đến sự an toàn của bản thân, nhưng Nasrallah lại là người cực kỳ cẩn trọng. Ông ta thường xuyên di chuyển trong sự hộ tống nghiêm ngặt của các vệ sĩ.
Nasrallah là một trong những chính trị gia có tầm nhìn xa nhất tại Libăng hiện nay, đã có công biến tổ chức du kích này thành một phong trào xã hội có ảnh hưởng sâu rộng. Những mục tiêu chính được Nasrallah đặt ra đối với Hezbollah vẫn là một cuộc chiến không khoan nhượng với Israel, đồng thời biến Libăng trở thành một quốc gia Hồi giáo.
Nhiều người tự hỏi tại sao chính quyền Libăng không trục xuất các thành viên Hezbollah? Câu trả lời đơn giản là không thể - Hezbollah đã trở thành “một quốc gia bên trong một quốc gia”, với các cơ cấu của nó đã ăn sâu vào từng “tế bào” của xã hội Libăng.
Do bó, bạo lực chắc chắn không phải là giải pháp vãn hồi tình hình tại Trung Đông
Theo Đinh Linh
An ninh Thế giới