1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ lĩnh đối lập bị bắn chết, Tuynidi giải tán chính phủ

(Dân trí) - Thủ tướng Tuynidi hôm qua đã quyết định giải tán chính phủ liên minh để mở đường cho việc thành lập chính phủ kỹ trị, một động thái nhượng bộ nhằm xoa dịu làn sóng giận dữ đang dâng cao sau vụ thủ lĩnh đối lập hàng đầu bị sát hại sáng cùng ngày.

 

Thủ lĩnh đối lập bị bắn chết, Tuynidi giải tán chính phủ

Tuynidi giải tán chính phủ để xoa dịu làn sóng giận dữ đang dâng cao sau khi thủ lĩnh đối lập bị bắn chết.          

 

Phát biểu trên truyền hình sau vụ thủ lĩnh đảng Những Người yêu nước Dân chủ (DPP) đối lập, ông Chokri Belaid, bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng vào sáng 6/2, Thủ tướng Hamadi Jebali nói chính phủ kỹ trị sẽ chịu trách nhiệm dẫn dắt đất nước từ nay cho tới khi tiến hành các cuộc bầu cử.

 

"Tôi đã quyết định thành lập chính phủ gồm những con người xuất chúng không chịu sự chi phối của chính trị. Chính phủ mới có nhiệm vụ điều hành đất nước và tổ chức các cuộc bầu cử vào thời điểm sớm nhất có thể", ông Jebari khẳng định.

 

Đây rõ ràng là sự nhượng bộ của chính phủ liên minh cầm quyền trước làn sóng biểu tình đang lan rộng của phe đối lập, lực lượng từ lâu đã yêu cầu phải tiến hành cải tổ nội các do người Hồi giáo chi phối. Ông Jebari coi vụ ám sát là hành động khủng bố và cam kết sẽ bắt giữ thủ phạm. Tổng thống Tuynidi Moncef Marzouki buộc phải hủy tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) khai mạc cùng ngày tại thủ đô Cairo của Ai Cập.

 

Mỹ, Pháp, Đức và nhiều tổ chức trên thế giới cũng lên án vụ sát hại.

 

"Không có bất kỳ lý do nào có thể bào chữa cho hành động sát hại tàn bạo này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói.

 

"Vụ sát hại cướp đi của Tuynidi một trong những tiếng nói dũng cảm và tự do nhất", Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định.

 

Ông Chokri Belaid bị bắn chết khi vừa rời nhà tới nơi làm việc.
Ông Chokri Belaid bị bắn chết khi vừa rời nhà tới nơi làm việc.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle bày tỏ làm việc về vụ việc, trong khi tổ chức Giám sát Nhân quyền và tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi giới chức cầm quyền ở Tuynidi nhanh chóng mở cuộc điều tra và đưa thủ phạm ra xét xử.

 

Trong khi đó, các đảng đối lập ở Tuynidi tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình. Bốn đảng đối lập gồm Mặt trận Bình Dân, Al Joumhoury, Al Massar và Nida Tounes còn dự định sẽ tiến hành tổng bãi công lớn trong ngày 7/2 để phản đối vụ ám sát ông Belaid. Các chính đảng này cũng kêu gọi các đại diện rút hỏi Hội đồng lập hiến chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp.

 

Trước đó, hơn 1.000 người đã biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ ở thủ đô Tunis và đụng độ với lực lượng an ninh khiến ít nhất một cảnh sát thiệt mạng. Một số cửa hiệu trong khu vực cũng bị cướp phá.

 

Những người biểu tình và gia đình ông Belaid cáo buộc đảng Hồi giáo Ennahda của Thủ tướng Jebari đứng sau vụ ám sát này. Tuy nhiên, Chủ tịch đảng Ennahda Rached Gannouhi đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trên, đồng thời lên án các thế lực đối lập "đang tìm cách làm lệch hướng tiến trình chuyển giao dân chủ" sau cuộc nổi dậy năm 2011.

 

Khi còn sống, ông Belaid thường xuyên chỉ trích gay gắt chính phủ của Thủ tướng Jebari. Ông này cho rằng đảng Ennahda cố tình trì hoãn tiến trình thành lập chính phủ dân chủ khi kiên quyết phản đối trao các vị trí trọng yếu trong nội các cho các nhân vật độc lập.

 

Mâu thuẫn giữa Liên minh Mặt trận Dân tộc các đảng cánh tả đối lập, mà đảng DPP của ông Belaid là một thành viên, với liên minh cầm quyền đã đẩy quốc gia Bắc Phi này vào trình trạng bế tắc chính trị và xã hội nghiêm trọng trong suốt hai năm qua, kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Ben Ali.           

         

Đức Vũ

Tổng hợp