1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thủ đoạn “ăn hàng” của cướp biển ở Đông Nam Á

Vụ cướp tàu MT Orkim Harmony của Malaysia chở 6.000 tấn dầu RON 95 trị giá 21 triệu RM (hơn 5,6 triệu USD) hôm 11-6 vừa qua là ví dụ điển hình của dạng cướp “ăn hàng” mới đang có xu hướng phát triển ở khu vực Đông Nam Á, nhất là vùng eo biển Singapore và Malacca.

Theo đó, các băng cướp biển ở Đông Nam Á giờ đây không quan tâm đến việc bắt cóc thủy thủ đoàn đòi tiền chuộc mà thay vào đó, chúng nhắm vào các tàu nhỏ chở nhiên liệu, với chiến thuật tấn công tàu chạy chậm, mạn thấp và cướp đi bất cứ thứ gì chúng có thể cướp trong kho của tàu, từ các lô hàng nhiên liệu, sơn cho đến dây thừng.

Chiến thuật đột kích “đánh nhanh, rút gọn”, “khoắng mọi thứ”

Chiến thuật đột kích “đánh nhanh, rút gọn”, “khoắng mọi thứ”

“Không giống những băng cướp biển hoành hành vùng biển Somalia những năm gần đây, các nhóm cướp nhằm vào các tàu ở Đông Nam Á hầu hết tìm cách cướp nhanh các lô hàng nhiên liệu trên tàu để bán” - Giám đốc IMB Pottengal Mukundan cho biết. Ông Pottengal Mukundan nhấn mạnh, các băng cướp biển ở Đông Nam Á giờ đây không quan tâm đến việc bắt cóc thủy thủ đoàn đòi tiền chuộc.

Thay vào đó, chúng nhằm vào các tàu nhỏ chở nhiên liệu. Nếu không thể cướp các lô hàng nhiên liệu trên tàu, bọn cướp lấy đi bất cứ thứ gì chúng có thể cướp trong kho của tàu, từ sơn cho đến dây thừng. Một vụ cướp tàu chở dầu có thể đem lại số hàng hóa trị giá hàng trăm ngàn USD hoặc thậm chí trên 1 triệu USD trong một số trường hợp.

Hiện nay, các nhóm tội phạm đã chuyển phạm vi hoạt động từ eo biển Malacca sang phía Đông, về phía eo biển Singapore, Biển Đông, và đặc biệt là các vùng biển và hải cảng của Indonesia. Bọn hải tặc đã lợi dụng được “khe hở” trong việc chia sẻ thông tin giữa hải quân các nước. Ngoài khơi Indonesia và Malaysia có hàng nghìn đảo lớn nhỏ với vô số làng mạc, hang động, vịnh, ngách khuất… giúp bọn cướp biển dễ dàng lẩn trốn và vận chuyển hàng hóa cướp được vào đất liền.

Trong một báo cáo của Cục Hàng hải quốc tế (IMB) chuyên theo dõi các vụ cướp biển đặt tại Malaysia công bố hồi tháng 4, trong quý 1-2015 trên thế giới có 54 vụ cướp biển. Đáng chú ý, hơn một nửa số vụ này tập trung ở Đông Nam Á. Năm ngoái, trong số 245 vụ cướp biển trên toàn cầu thì 141 vụ xảy ra ở Đông Nam Á.

 IMB nói trong khi số vụ cướp biển trên toàn cầu giảm đi kể từ năm 2011 thì số vụ ở Đông Nam Á tăng lên những năm gần đây. Ông Mukundan cảnh cáo: “Tần suất các vụ cướp biển ở Đông Nam Á đang gây quan ngại ngày càng lớn. Có một rủi ro là các vụ tấn công và bạo lực sẽ tăng lên nếu tình trạng này không được kiềm chế”.

Trước vụ cướp tàu MT Orkim Harmony của Malaysia chở 6.000 tấn dầu RON 95 trị giá 21 triệu RM (hơn 5,6 triệu USD) hôm 11-6, ngày 2-5, 8 tên cướp biển có vũ trang đã khống chế tàu chở nhiên liệu Ocean Energy ngoài khơi cảng Dickson (Malaysia) ở khu vực eo biển Malacca. Nhóm cướp đã buộc Ocean Energy phải neo đậu lại, sau đó rút khoảng 2.023 tấn khí đốt từ tàu này lên một sà lan được chúng kéo theo.

Việc rút nhiên liệu này diễn ra trong khoảng 20 giờ. Tiếp đó, này 15-5, khoảng 30 tên cướp biển lên tàu Oriental Glory ở phía nam Biển Đông gần Malaysia. Chúng đã cướp đi gần 2.500 tấn dầu cùng đồ đạc của thủy thủ đoàn. Ngày 4-6 tàu Orkim Victory của Malayisa chở theo các lô hàng dầu của Petronas cũng bị cướp ngoài khơi nước này.

Đẩy nhanh các biện pháp đối phó với thủ đoạn tấn công kiểu mới

Hiện, nạn cướp biển gia tăng đe dọa sự an toàn của ngành công nghiệp vận tải biển, làm gia tăng chi phí bảo hiểm thương mại và các chi phí an ninh bổ sung cũng như đặt ra yêu cầu thay đổi lộ trình gây tốn kém. Vấn đề này buộc chính phủ các nước phải hành động và nâng cao sự hợp tác, như đưa việc chống cướp biển lên vị trí cao hơn trong chương trình nghị sự của các tổ chức đa phương và các diễn đàn, thúc đẩy hoạt động tuần tra chung và chia sẻ thông tin chống cướp biển.

Trong khi đó, những biện pháp an ninh truyền thống như dùng rađa không phải lúc nào cũng hữu hiệu trong việc chống cướp biển bởi thiết bị này không phát hiện các tàu nhỏ và bằng gỗ mà cướp biển hay dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện có một số giải pháp phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển, có thể phát hiện các thuyền cao su, người bơi và tàu gỗ được coi là cách khả thi trong các cách chống cướp biển. Chẳng hạn như các hệ thống xác định thân nhiệt bằng hồng ngoại là một lựa chọn phù hợp cho các tàu trong việc quan sát và tự bảo vệ mình.

Chống cướp biển là một vấn đề “quan trọng và đáng lo ngại” nhưng vẫn có thể giải quyết được nếu các quốc gia trong khu vực chung tay, trước khi nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Theo nhận định của giới chuyên gia, tình trạng nghèo đói và lạc hậu ở những cộng đồng dân cư dọc bờ biển các nước là nguyên nhân căn bản dẫn đến nạn cướp biển. Nạn cướp biển đang đặt ra nhiều thách thức an ninh khi chúng điều chỉnh về phương thức hoạt động và chiến thuật tấn công.
 
Theo Ngân Hà/ViceNews/ Homeland Security Today
An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm