Thông điệp gửi Trung Quốc trong chuyến thăm châu Á của quan chức Mỹ
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc trong chuyến công du tới Ấn Độ.
Trong cuộc hội đàm ngày 27/10 với những người đồng cấp Ấn Độ, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper sẽ ký một thỏa thuận mở rộng việc chia sẻ thông tin vệ tinh quân sự và tăng cường hợp tác chiến lược giữa Washington và New Delhi. Động thái này được cho là nhằm đối phó với Trung Quốc.
Vài giờ trước khi cuộc hội đàm diễn ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo với Quốc hội Mỹ về hợp đồng trị giá 2,37 tỷ USD cung cấp các hệ thống tên lửa Harpoon cho Đài Loan. Đây là hợp đồng vũ khí lớn thứ 2 của Mỹ và Đài Loan trong 2 tuần. Trung Quốc đã đáp trả bằng việc áp lệnh trừng phạt các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Không lâu trước khi Mỹ thông báo về hợp đồng vũ khí với Đài Loan, Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar hôm 26/10 để ca ngợi “quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và Ấn Độ”, khẳng định mối quan hệ này đóng vai trò “quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của cả hai nước, cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới”.
Chuyến công du của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động cứng rắn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Mỹ đang chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11.
Tranh chấp biên giới leo thang giữa Trung Quốc và Ấn Độ càng khoét sâu thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực từ dịch Covid-19, thương mại, công nghệ, Đài Loan, Tây Tạng, Hong Kong cho tới những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn tại Biển Đông.
Căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ tăng nhiệt tại vùng núi ở biên giới - nơi hàng chục nghìn binh sĩ hai nước đối đầu nhau kể từ tháng 5. Tổng thống Donald Trump đã đề xuất giúp hạ nhiệt căng thẳng, song vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ cả Bắc Kinh và New Delhi.
Theo AP, Ngoại trưởng Pompeo công khai thể hiện mong muốn của chính quyền Trump trong việc lôi kéo Ấn Độ tham gia vào nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc. Kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, Mỹ và Ấn Độ đã từng bước tăng cường hợp tác quân sự.
Khi Tổng thống Trump thăm Ấn Độ hồi tháng 2, hai bên đã ký các thỏa thuận quốc phòng trị giá hơn 3 tỷ USD. Thương mại quốc phòng song phương đã tăng từ con số 0 năm 2008 lên 15 tỷ USD vào năm 2019.
Ngoại trưởng Mỹ đầu tháng này đã có cuộc gặp với những người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tại Tokyo. Nhóm 4 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tên gọi “Bộ Tứ” được xem là đối trọng với Trung Quốc.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ quay trở lại Washington sau khi tới thăm Sri Lanka, Maldives và Indonesia. Qua mỗi chuyến thăm, nhà ngoại giao Mỹ dự kiến sẽ hối thúc các nước chống lại sự cứng rắn của Trung Quốc.
Chuyến công du châu Á của ông Pompeo được cho là nhằm đẩy lùi tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Đây cũng là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với việc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng kinh tế tại các nước nhỏ hơn, thậm chí đẩy các nước này vào bẫy nợ.
Theo Reuters, Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka đã cảnh báo Mỹ khi Ngoại trưởng Pompeo có chuyến thăm tới Sri Lanka trong ngày 27/10.
“Chúng tôi kịch liệt phản đối việc Mỹ nhân cơ hội chuyến thăm của Ngoại trưởng để gieo rắc và can thiệp vào quan hệ Trung Quốc - Sri Lanka, đồng thời cưỡng ép và bắt nạt Sri Lanka”, thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc vào tối 26/10 nêu rõ.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết mối quan hệ với Sri Lanka đã kéo dài suốt 2.000 năm và hai nước không cần bên thứ 3 can thiệp.
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Sri Lanka trong khuôn khổ Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục đích của sáng kiến nhằm kết nối châu Á, châu Âu và các khu vực khác nhằm cạnh tranh với Ấn Độ và Trung Quốc.