1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thông điệp gửi Trung Quốc sau cuộc tập trận tàu ngầm Nhật Bản trên Biển Đông

(Dân trí) - Việc Nhật Bản lần đầu tiên đưa một tàu ngầm tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông được cho là nhằm phát đi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc về ảnh hưởng của Tokyo trong khu vực.

Tàu ngầm Kuroshio của lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (Ảnh: Kyodo)
Tàu ngầm Kuroshio của lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (Ảnh: Kyodo)

Nhật Bản ngày 17/9 đã có một động thái khác thường khi thông báo đã tiến hành cuộc tập trận với sự tham gia của tàu ngầm Kuroshio, hai tàu khu trục và một tàu sân bay trực thăng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết cuộc tập trận này không nhắm mục tiêu tới bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Tuy nhiên giới phân tích nhận định đây là thông điệp mà Tokyo muốn gửi tới Trung Quốc.

“Chúng tôi đang phát đi một thông điệp rằng Trung Quốc không thể tùy tiện hành động theo ý muốn mà không bị trừng phạt”, Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, nhận định.

Đây là lần đầu tiên một tàu ngầm Nhật Bản tham gia tập trận trên Biển Đông. Cả Bộ Quốc phòng Nhật Bản và báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) - cơ quan truyền thông đưa tin về cuộc tập trận trước khi thông tin chính thức được công bố, đều không đề cập cụ thể vị trí tập trận của các tàu Nhật Bản trên Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động xây đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trái phép trên Biển Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của nước này. Một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Australia và Ấn Độ, cũng đang theo dõi một cách cảnh giác các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh. Trung Quốc được cho là đang thách thức vị trí của Mỹ trong bối cảnh Washington đang giảm dần tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Cuộc tập trận trên Biển Đông diễn ra ngay cả khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ấm dần lên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tháng tới.

Các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản đang tìm cách mở rộng các giới hạn khi mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc, một đối thủ của Tokyo trong khu vực, đang tiến triển.

“Tôi nghĩ đây là ví dụ rõ ràng cho thấy sự phức tạp của các mối quan hệ hiện nay. Nhật Bản và Trung Quốc đang phụ thuộc lẫn nhau và hai nước cũng giành được nhiều lợi ích từ nhau. Tuy vậy cùng lúc đó, hai nước vẫn tồn tại một số vấn đề và sự căng thẳng”, Giáo sư Kristi Govella chuyên nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii cho biết.

Nhật Bản cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền với một nhóm đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù mối quan hệ giữa hai nước ngày càng gần gũi, song Nhật Bản vẫn đang dẫn đầu nỗ lực nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại toàn diện với mục đích tạo ra một liên minh kinh tế không bao gồm Trung Quốc.

“Trong quá khứ, Nhật Bản chỉ xem các quốc gia khác hoặc là bạn, hoặc là thù. Nhưng thực tế bây giờ không còn như vậy nữa. Nhật Bản rốt cuộc đã khôn ngoan hơn khi vừa bắt tay bên phải nhưng đồng thời dùng nắm đấm bên tay trái. 20 năm trước, chuyện đó là không tưởng”, Toshiyuki Ito, phó đô đốc về hưu và hiện là giáo sư về quản lý khủng hoảng và quan hệ quốc tế tại Viện Công nghệ Kanazawa, cho biết.

Nỗ lực quốc tế

Không chỉ Nhật Bản, cả Anh và Pháp đều đưa tàu chiến tới Biển Đông trong những tháng gần đây. Động thái này cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các đồng minh của Mỹ.

“Các đồng minh và đối tác của Mỹ đang tăng cường triển khai những chiến dịch mà trước đây chỉ có Mỹ thực hiện. Cơ chế đa phương mở rộng hơn này thực sự sẽ gây khó khăn cho các yêu sách của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế và Mỹ đang tích cực tiến hành các động thái để đảm bảo rằng ứng phó Trung Quốc không chỉ đơn thuần là nỗ lực do Mỹ dẫn đầu”, Abigail Grace, nhà nghiên cứu tại Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm A ninh Mỹ mới, nhận định.

Khi được hỏi về các cuộc tập trận của Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang “xử lý ổn thỏa những bất đồng” trên Biển Đông, kêu gọi Nhật Bản “tôn trọng” các nỗ lực này và “kiềm chế thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây tổn hại cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tỏ ra ngờ vực về vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh khu vực, đồng thời để ngỏ khả năng rút lực lượng quân sự Mỹ khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, Tokyo đang điều chỉnh lại chiến lược của mình và xích lại gần với Australia cùng một số nước Đông Nam Á khác.

“Nhật Bản nhận ra rằng chỉ riêng liên minh Mỹ - Nhật sẽ không đủ đối phó với Trung Quốc”, Lauren Richardson, giảng viên về quan hệ Đông Bắc Á tại Đại học Quốc gia Australia, nói.

Các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản đang thắt chặt quan hệ với các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông để gửi thông điệp ngầm tới Bắc Kinh.

“Nhật Bản đang xích lại gần các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Đó là thông điệp gửi tới Trung Quốc, rằng chúng tôi (Nhật Bản) đang tìm đến và tăng cường hợp tác an ninh với các nước khác”, Jeffrey W. Hornung, nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu Nhật Bản tại RAND Corporation, nhận định.

Sự hiện diện của tàu ngầm và các tàu quân sự Nhật Bản trên Biển Đông được cho là nhằm thể hiện vai trò an ninh tích cực hơn của Tokyo trong khu vực dưới thời Thủ tướng Abe. Mặc dù Nhật Bản vẫn giữ vai trò an ninh như vậy trong suốt nhiều thập niên qua, song Tokyo vẫn nỗ lực tăng cường thêm vai trò của mình trong những năm gần đây, bao gồm việc thắt chặt quan hệ quốc phòng với các nước Đông Nam Á và quan tâm nhiều hơn tới một số vấn đề như Biển Đông.

Thành Đạt

Theo New York Times