1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thông điệp cứng rắn của ông Putin giữa căng thẳng biên giới với Ukraine

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Tổng thống Nga Putin đã phát đi thông điệp rất cứng rắn gửi tới Mỹ và các nước NATO, giữa lúc Moscow chịu nhiều sức phép của phương Tây vì các hành động quân sự gần Ukraine.

Thông điệp cứng rắn của ông Putin giữa căng thẳng biên giới với Ukraine - 1

Tổng thống Nga Putin đọc thông điệp liên bang ngày 21/4 (Ảnh: AFP).

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/4 đã đọc Thông điệp Liên bang trong bối cảnh có nhiều căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây, bao gồm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga và các phán quyết lẫn nhau về cuộc xung đột đang leo thang ở miền Đông Ukraina.

Thông điệp của ông Putin đề cập tới nhiều vấn đề, bao gồm các giải pháp tăng thu nhập của người dân, phòng chống dịch Covid-19, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chính sách của Nga trên trường quốc tế, cũng như những cảnh báo cứng rắn về "lằn ranh đỏ" trong quan hệ của các nước với Nga.

Dễ dàng nhận thấy, ông Putin đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tăng thu nhập của người dân. Thông điệp nêu rõ, hiện nay giá cả tăng khiến thu nhập để trang trải chi phí cho cuộc sống của người dân trở nên ít đi, vì vậy nhiệm vụ chính của chính phủ Nga là đảm bảo tăng thu nhập thực tế của người dân. Ông đã công bố một loạt biện pháp giúp tăng thu nhập của người dân, thúc giục chính phủ tạo điều kiện dài hạn để "đảm bảo khả năng dự báo giá cả".

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, giá dầu mỏ lao dốc và đại dịch Covid-19. Do đó, cần phải đạt được kết quả tối đa cả về sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hỗ trợ người dân, nhất là những người có nhu cầu. Đồng thời, tài chính cần được xử lý thận trọng để mỗi đồng rúp được sử dụng hiệu quả và mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân và toàn bộ nền kinh tế.

Ông Putin đã chỉ thị cho chính phủ phát triển một hệ thống toàn diện nhằm giảm thiểu nguy cơ đói nghèo đối với các gia đình có trẻ em. Chính phủ sẽ hỗ trợ 5.650 rúp mỗi tháng cho trẻ em từ 8-16 tuổi trong các gia đình đơn thân từ ngày 1/7 tới, hỗ trợ 6.350 rúp mỗi tháng cho phụ nữ mang thai có thu nhập thấp. Các gia đình có con trong độ tuổi đi học sẽ được cung cấp 10.000 rúp mỗi năm. Ngoài ra, 1.300 trường học sẽ được xây mới dành cho 1 triệu trẻ em. Quỹ Tổng thống dành cho các sáng kiến văn hóa cũng sẽ được thành lập. 

Liên quan tới đại dịch Covid-19, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa Thu năm nay, đồng thời kêu gọi người dân tích cực tiêm vắc xin phòng bệnh. Ông nêu rõ: "Tất cả mọi người dân đều phải có cơ hội tiêm vắc xin, điều này sẽ giúp Nga đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa Thu năm nay. Giải pháp cho vấn đề này nằm trong tay chúng ta, trong tay của tất cả người dân. Tôi một lần nữa kêu gọi người dân Nga: Hãy tiêm vắc xin!".

Theo kế hoạch đến năm 2024, Nga sẽ phân bổ 1.630 tỷ rúp (tương đương 21 tỷ USD) cho các nghiên cứu dân sự, bắt đầu từ việc khởi động các chương trình sáng tạo, tạo ra lá chắn an toàn sinh học, cũng như đảm bảo việc sản xuất vắc xin trên toàn lãnh thổ Nga.

Về chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tập trung phát triển các cách tiếp cận mới trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm năng lượng hạt nhân và hydro, đồng thời chuyển đổi nền kinh tế thích nghi với biến đổi khí hậu và ứng phó với các thách thức. Ông cam kết Nga sẽ góp phần trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và phát triển công nghiệp tái tạo carbon.

Không ngại cảnh báo cứng rắn phương Tây

Thông điệp Liên bang diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Ukraine, Nga - Mỹ và phương Tây gia tăng căng thẳng. Trong những tháng gần đây, Mỹ và một số nước phương Tây đã trục xuất một số nhân viên ngoại giao của Nga, áp đặt lệnh trừng phạt Moscow với cáo buộc nước này đứng sau vụ "đầu độc" chính trị gia đối lập Alexei Navalny, thực hiện các vụ tấn công mạng và những hành động "gây bất ổn".... Sau đó, Nga đã có các hành động đáp trả kiểu "ăn miếng trả miếng".

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin khẳng định, chính sách của Nga trên trường quốc tế là đảm bảo hòa bình, an ninh cho sự phát triển của đất nước. Nga coi trọng xây dựng mối quan hệ với các quốc gia trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nga có lợi ích riêng của mình và sẽ luôn bảo vệ lợi ích đó, Moscow sẽ tìm ra những cách thức "không đối xứng", nhanh chóng và cứng rắn để bảo vệ lợi ích quốc gia nếu các quốc gia khác từ chối đối thoại.

Ông Putin chỉ trích những "hành động có động cơ chính trị" từ "tập thể phương Tây" và cảnh báo các đối thủ nước ngoài không nên "vượt qua lằn ranh đỏ" trong quan hệ với Nga. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, Moscow sẽ phản ứng nhanh chóng và kiên quyết với mọi hành vi gây hấn từ bên ngoài. Ông hi vọng "sẽ không có nước nào nghĩ tới việc vượt qua lằn ranh đỏ trong quan hệ với Nga".

Tổng thống Putin cũng chỉ trích các nước phương Tây giữ thái độ im lặng trước những âm mưu đảo chính tại Belarus. Ông nêu rõ, các nước "giả vờ rằng không có gì đang xảy ra". "Thực tế là các âm mưu đảo chính, ám sát các nguyên thủ quốc gia xuất hiện quá nhiều. Mọi ranh giới đã bị vượt qua", ông Putin nói. "Điều gì sẽ xảy ra nếu âm mưu đảo chính thực sự xảy ra? Có bao nhiêu người sẽ phải chịu đựng?", ông đặt câu hỏi.

Củng cố sức mạnh quân sự

Trong bài phát biểu quan trọng, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh nước này đang không ngừng cải thiện và củng cố lực lượng vũ trang, trong đó, đặc biệt chú trọng đến phát triển giáo dục quân sự. Ông nhấn mạnh đến vai trò của Nga trong việc hỗ trợ làm giảm căng thẳng ở Syria, Libya và khu vực Nagorno-Karabakh.

Theo Tổng thống Putin, Nga sẽ tiếp tục hiện đại hóa bộ ba hạt nhân, nâng tỷ lệ vũ khí và thiết bị hiện đại trong quân đội. Theo đó, bộ ba hạt nhân là một cơ cấu của lực lượng quân sự bao gồm tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và máy bay được trang bị bom hạt nhân và tên lửa. Ông Putin cho biết, tỷ lệ vũ khí hiện đại trong bộ ba hạt nhân của Nga sẽ đạt 88% trong năm 2021, tỷ lệ công nghệ hiện đại trong quân đội Nga sẽ là 76% vào năm 2024.

Ông Putin nói, tỷ lệ các vũ khí và thiết bị hiện đại được sử dụng trong quân đội sẽ chiếm khoảng gần 76% vào năm 2024, đây là một chỉ dấu rất tốt. Trong bộ ba hạt nhân, tỷ lệ này sẽ vượt 88% trong năm nay. Ông cũng cho biết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Sarmat sẽ đi vào sử dụng vào cuối năm 2022.

Những năm gần đây, Nga đã có những động thái quân sự mạnh mẽ để thể hiện vị thế quốc tế của mình, từ việc thiết lập thêm một căn cứ cho Hạm đội Baltic tại Kronstadt, xây dựng một loạt căn cứ quân sự ở châu Phi, triển khai lực lượng dọc biên giới với Ukraine, tập trận quân sự ở Biển Đen đến xây dựng căn cứ không quân ở Lào, cung cấp vũ khí cho Myanmar và cả việc tăng cường sức mạnh quân sự ở Bắc Cực...

Có thể đánh giá, thông điệp liên bang là một trong những văn kiện hoạch định chiến lược quan trọng, cơ sở để xác định các mục tiêu và ưu tiên quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia của Nga. Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga, bà Valencia Matvienko, nhận định thông điệp mang dấu ấn một "thời đại mới", hình thành một hệ tọa độ mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm