1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thông điệp của sự tự tin

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21-1 (theo giờ Việt Nam) đã đọc Thông điệp Liên bang 2015 trước lưỡng viện Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Bài phát biểu đầy tính chủ động và cương quyết của ông Obama, được xem như lời tuyên chiến từ Nhà Trắng, đã ghi điểm trước Đảng Cộng hòa và đẩy đảng này vào thế phòng ngự, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đang đến gần.

Với một vẻ hoàn toàn tự tin, không đề cập đến cuộc bầu cử giữa kỳ, không đưa ra nhượng bộ hay thỏa hiệp chính trị nào, Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát cần phải tăng thuế với người giàu, để giúp giảm thuế cho tầng lớp trung lưu và tăng cường hỗ trợ cho giáo dục cộng đồng. Trên lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống Mỹ cho rằng chính sách ngoại giao hiện nay đã đem lại lợi ích cho Mỹ, bởi ngăn cản được sự khuếch trương của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq. Ông cũng nhấn mạnh đến quyết định chấm dứt chính sách lỗi thời bấy lâu của Wasington đối với Cuba và yêu cầu Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận suốt hơn 50 năm qua với đảo quốc này...

Tổng thống Mỹ Barak Obama (ảnh: TTXVN)
Tổng thống Mỹ Barak Obama (ảnh: TTXVN)

Đã 5 lần đọc Thông điệp Liên bang kể từ ngày đặt chân vào Nhà Trắng để trình bày những chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng, song có lẽ chưa lần nào bài phát biểu của Tổng thống Obama được chờ đợi như lần này. Nhiều tràng pháo tay ủng hộ của những người tham dự đã vang lên khi Tổng thống Obama tự tin tuyên bố “chúng ta lật sang trang mới” và “bóng đêm khủng hoảng đã qua”.

Không phải vô cớ mà Tổng thống Obama có được sự tự tin như thế.

Trong Thông điệp Liên bang 2015, Tổng thống Obama đã dành tới gần một nửa thời gian cho việc tung hô những thành quả của nền kinh tế Mỹ, một nền kinh tế được đánh giá là điểm sáng nhất trong kinh tế toàn cầu năm 2014 và có thể cả trong năm 2015. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay có thể đạt mức 3,1%, cao hơn mức 2,2% của hai năm trước đó. Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã hạ xuống mức 5,6%, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây, trong khi mức tăng số lượng việc làm năm 2014 là cao nhất kể từ năm 1999.

Ai cũng rõ, đối với bất kỳ một quốc gia nào, sức mạnh kinh tế chính là nền tảng cho việc thực hiện các chính sách nhiều tham vọng. Trong những năm qua, chính sự khó khăn về tài chính chứ không phải điều gì khác đã không cho phép Washington thể hiện được hoàn toàn vai trò “anh cả” trên vũ đài chính trị thế giới. Hơn ai hết, người Mỹ hiểu rất rõ câu chuyện “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.  Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi người Mỹ đang có xu hướng dành sự ủng hộ cho Tổng thống da màu của mình.
 
Trong cuộc thăm dò do Đài NBC và Báo Wall Street Journal thực hiện, 45% người Mỹ bày tỏ sự hài lòng với kinh tế, cao nhất từ tháng 1-2004. Kết quả thăm dò dư luận do Báo The Washington Post và kênh tin tức ABC News công bố hôm 19-1 cho biết, tỷ lệ người dân ủng hộ Tổng thống Obama hiện là 50%, cao nhất kể từ sau cuộc thăm dò của ABC News vào mùa xuân 2013. Có lẽ vì thế mà trong bài phát biểu định hướng cho chính sách đối nội, đối ngoại trong năm của nước Mỹ, Tổng thống Obama không có ý định cắt bớt chương trình nghị sự của mình “chiều” theo các ưu tiên của Đảng Cộng hòa.

Một trong những điểm quan trọng nhất của Thông điệp Liên bang 2015 là đề xuất về "nền kinh tế trung lưu". Theo kế hoạch này, mức thuế đối với thiểu số những người giàu có nhất nước Mỹ, có thu nhập từ 500.000 USD/năm trở lên sẽ tăng từ 23,8% lên 28%. Ngoài ra, kế hoạch này cũng đặt thêm phí đối với khoảng 100 hãng tài chính có tài sản hơn 50 tỷ USD. Điều đáng nói là đa phần trong số 320 tỷ USD thu về từ các khoản thuế và phí này sẽ được sử dụng nhằm cải thiện cuộc sống của tầng lớp trung lưu.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Obama đề cập đến vấn đề nâng thuế thu nhập đối với người giàu. Ý định này vốn được Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ ấp ủ, theo đuổi từ những năm trước nhưng vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của những nghị sĩ Cộng hòa.
 
Ở nước Mỹ, như luật bất thành văn, tầng lớp giàu có xưa nay vốn là chỗ dựa về chính trị và tiền bạc của đảng Cộng hòa, trong khi những cử tri thuộc tầng lớp trung lưu lại là những người mở cánh cửa bước vào Nhà Trắng cho Đảng Dân chủ. Chẳng thế mới có chuyện phe Cộng hòa thà chấp nhận cắt giảm ngân sách liên bang chứ không chấp nhận tăng thuế đối với người giàu, trong khi phe Dân chủ lại kiên quyết không bỏ trợ cấp thất nghiệp, “bảo vệ” những cử tri bình dân trung thành của họ cho dù phải chấp nhận một cái giá nào đó.

Vì thế, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 đang tới gần, không có gì khó hiểu khi bản Thông điệp Liên bang năm 2015 của Tổng thống Obama lại đặc biệt tập trung nhấn mạnh tới khối cử tri đông đảo nhất trong các kỳ bầu cử, nhất là khi Đảng Dân chủ vừa thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi cuối năm ngoái. Có lẽ ông Obama đã bắt đầu chiến dịch “dọn đường” cho đảng nhà.  

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, ông chủ Nhà Trắng của Đảng Dân chủ phải trình bày các chính sách lớn trước lưỡng viện Quốc hội hoàn toàn do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Điều đó cũng đồng nghĩa với những thách thức về khả năng thực hiện chương trình nghị sự mà ông Obama đã đề ra trong Thông điệp Liên bang.
 
Trên thực tế, ngay từ cuối tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã kêu gọi Tổng thống Obama phải cân nhắc nội dung khi tiến hành báo cáo trước Quốc hội tình hình năm 2014 và đề xuất các biện pháp cho những vấn đề chính trong năm 2015.
 
Từ cuộc họp đầu tiên của năm vào ngày 6-1 đến nay, các nghị sĩ  Cộng hòa thường xuyên có động thái gây khó dễ cho Chính phủ. Thậm chí, trước bài phát biểu, các nhà lãnh đạo Cộng hòa đã tuyên bố rằng những đề xuất của ông Obama sẽ "chết" ngay từ trong trứng nước.

Với sự chia rẽ “truyền kiếp” giữa Dân chủ và Cộng hòa, các chủ trương chính sách trong hai năm cầm quyền còn lại của ông Obama chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn, nếu không muốn nói là bị bế tắc. Dù cho Tổng thống Mỹ nắm quyền phủ quyết trong tay thì với lưỡng viện Quốc hội mà phe Cộng hòa kiểm soát, việc 2/3 số nghị sĩ trong mỗi viện bác bỏ phủ quyết là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Và không ngoài dự đoán, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa lập tức gọi đề nghị cải cách thuế của Tổng thống Obama là “không nghiêm túc” và khó có triển vọng thành công.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây sẽ là: Vì sao trong Thông điệp Liên bang 2015, Tổng thống Obama lại đưa ra các đề xuất rất dễ bị hai viện Quốc hội do những người Cộng hòa nắm giữ bác bỏ? Đây là đòn "nhất tiễn hạ song điêu", một đề toán khó cho những người Cộng hòa. Nếu thông qua, cử tri tầng lớp trung lưu sẽ coi những cải cách đó là công lao của những người Dân chủ; nếu bác bỏ, đó sẽ là lỗi của những người Cộng hòa!

Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của số đông cử tri Mỹ bên thùng phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. "Tiên hạ thủ vi cường", Tổng thống Obama đã tự tin lựa chọn chiến lược ra đòn trước với một Quốc hội đối nghịch để giành ưu thế cho Đảng Dân chủ. Nói cách khác, ông Obama không chấp nhận vị thế của "vịt què" trong hai năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống, bằng cách "tuyên chiến" với những người Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ.

Trong những phút cuối của Thông điệp Liên bang, Tổng thống Mỹ Obama đã nói rằng ông “không còn phải tham gia cuộc vận động tranh cử nào nữa”. Bất chấp tiếng vỗ tay tẻ nhạt của một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa, ông mỉm cười và nói thêm rằng: “Tôi biết, bởi tôi đã thắng cử hai lần”.

Theo kết quả điều tra của CNN/ORC, Thông điệp Liên bang lần này của Tổng thống Obama nhận được phản ứng tích cực từ người dân Mỹ. Đáng chú ý là đa phần người dân Mỹ cho biết, họ đặt niềm tin vào ông Obama hơn là phe Cộng hòa trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 40% và 36%.

Với những lợi thế trên, ít nhất vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ và Đảng Dân chủ sẽ khiến các nghị sĩ Cộng hòa phải đau đầu tìm đối sách trên đường đua tới chiếc ghế chủ nhân Nhà Trắng năm 2016.

Theo Ngọc Hà
Quân đội Nhân dân