1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp Biển Đông từ Vladivostok

Việc lãnh đạo Việt - Trung tái khẳng định quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông cho thấy nỗ lực nghiêm túc giải quyết vấn đề tồn đọng lớn nhất, khó khăn nhất, do lịch sử để lại trong quan hệ hai nước.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm 7/9 tại Vladivostok (LB Nga) là bước triển khai tiếp tục tăng cường các hoạt động tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
 
Trong ý nguyện chung làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung, cuộc gặp tại Vladivostok rõ ràng mang tinh thần củng cố, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên.
 
Thông điệp Biển Đông từ Vladivostok
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ảnh: THX

Đây là cuộc hội kiến thứ hai giữa lãnh đạo hai Nhà nước, sau cuộc gặp cũng trong khuôn khổ Cấp cao APEC 19 ở Hawaii (Mỹ) tháng 11 năm ngoái.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định không ngừng tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng làm việc với Trung Quốc để duy trì trao đổi cấp cao, thúc đẩy tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh: "Phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam để làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống của hai nước, mở rộng hợp tác thiết thực và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện".

Không để ảnh hưởng đại cục

Những vấn đề liên quan Biển Đông được hai nhà lãnh đạo đề cập thẳng thắn trong cuộc gặp.

Thông điệp chung được hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, đó là “không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước”, kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Không phải là toàn cục quan hệ Việt - Trung, nhưng các vấn đề trên Biển Đông là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, việc giải quyết những tồn tại trên cơ sở đại cục quan hệ giữa hai Đảng, hai nước là sự cần thiết.

Việc hai nhà lãnh đạo tái khẳng định quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp là tín hiệu cho thấy nỗ lực nghiêm túc giải quyết vấn đề tồn đọng lớn nhất, khó khăn nhất, do lịch sử để lại trong quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ quan điểm: Trong quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông, hai bên cần thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Trong đó, trước mắt hai nước là việc triển khai thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, với việc đẩy mạnh đàm phán, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, trong khi đó cũng tìm kiếm giải pháp có tính quá độ, tạm thời, như việc tích cực nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển…

Với ASEAN là nhiệm vụ chung cho nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Trước cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo cấp cao Việt - Trung tại Vladivostok, tại Hà Nội vừa qua, hai bên đã tiến hành đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ ba.

Liên quan vấn đề trên biển, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng nêu rõ Trung Quốc mong muốn các tranh chấp phải được giải quyết hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trung Quốc mong muốn vấn đề được xử lý thỏa đáng để không ảnh hưởng đến đại cục tốt đẹp giữa hai nước và sự phát triển của mỗi nước.

Những nỗ lực khai thông vấn đề của hai phía là cần thiết.

Để không ảnh hưởng đến đại cục quan hệ song phương, cần kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị để xử lý, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển và làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Điều đó không chỉ đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, mà còn góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo Linh Thư
Vietnamnet