1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thời thế thay đổi, Anh còn không "mặn mà" với Trung Quốc

(Dân trí) - Những diễn biến gần đây cho thấy Anh và Trung Quốc ngày càng bất đồng, trái ngược với kỳ vọng về "kỷ nguyên vàng" mà hai nước từng lạc quan đề cập trước đây.

Thời thế thay đổi, Anh còn không mặn mà với Trung Quốc - 1

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Anh năm 2015 (Ảnh: Getty)

Năm 2015, cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới một quán rượu ở Anh, trong một hoạt động được ca ngợi là hướng tới giai đoạn “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ giữa 2 quốc gia.

Ông Cameron nói rằng Anh sẽ nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ tiếp cận với thị trường của “quốc gia dẫn đầu trong Liên minh châu Âu EU”.

Tuy nhiên, hiện thực đang không diễn ra đúng như những gì 2 bên kỳ vọng vào thời điểm đó.

Anh sau 5 năm đã rời EU. Trong chính quyền do đảng Bảo thủ đang nắm quyền, những nhân vật có quan điểm đối đầu với Trung Quốc đang có dấu hiệu gia tăng. Những quan ngại của Anh về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, chính sách của Bắc Kinh đối với Hong Kong - vùng lãnh thổ mà Anh đã trao trả cho Trung Quốc năm 1997 - và nghi vấn Huawei có quan hệ với chính phủ Trung Quốc, cùng với các vấn đề liên quan tới Covid-19 đang khiến những quan điểm phản đối Bắc Kinh xuất hiện nhiều hơn tại Anh.

Ngoài ra, thay vì mở cửa chào đón Trung Quốc rót vốn vào đầu tư, chính phủ Anh đang tìm cách bảo vệ các công ty chủ chốt khỏi mối đe dọa bị thu mua lại từ các công ty Trung Quốc, theo Bloomberg.

Mặt khác, Anh được cho cũng đang suy nghĩ lại về việc cho phép Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng 5G cho nước này, viện dẫn mối quan ngại về mặt an ninh.

“Là một quốc gia, chúng tôi dường như đã xem nhẹ những mối đe dọa từ Trung Quốc quá lâu”, nghị sĩ đảng Bảo thủ Bob Seely, thành viên ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, thừa nhận.

Một trong những vấn đề “gai góc” nhất hiện tại là việc Anh đang xem xét lại vai trò của Huawei sau khi đồng ý cho hãng này tham gia vào việc xây dựng mạng lưới 5G bất chấp cảnh báo của đồng minh Mỹ. Huawei từng nhiều lần bác bỏ thông tin rằng họ có liên quan tới chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau sự việc các tập đoàn HSBC Holdings và Standard Chartered ủng hộ các động thái của Trung Quốc với Hong Kong, nhiều câu hỏi đã được đặt ra rằng liệu các công ty hoạt động ở Trung Quốc có thể độc lập trong việc ra quyết định tới mức độ như thế nào và họ có thể bị Bắc Kinh chi phối ra sao.

Trong 20 năm qua, Anh hướng tới một mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc. Những diễn biến gần đây ở Hong Kong dường như đã buộc chính phủ Anh phải chọn bên và các nhà ngoại giao của London cũng không ngại ngần đưa ra các chỉ trích công khai.

Hồi đầu tuần trước, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc muốn áp luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, động thái khiến nhiều quốc gia quan ngại có thể khiến hòn đảo bị xói mòn cơ chế tự trị.

“Anh phải là người dẫn dầu về các vấn đề liên quan tới Hong Kong vì chúng ta là quốc gia có liên hệ mật thiết nhất tới vấn đề này”, nghị sĩ Công đảng đối lập Chris Bryant nhận định.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10/6 khẳng định chính phủ của ông sẽ đưa ra tuyên bố thẳng thắn với Trung Quốc dù ông vẫn chủ trương muốn hợp tác với Bắc Kinh.

“Khi chúng tôi có quan ngại về nguồn gốc Covid-19, về các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc những gì xảy ra ở Hong Kong, chúng tôi sẽ lên tiếng và đó là điều chúng tôi dự kiến sẽ làm”, ông Johnson cho hay.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang, Anh dường như đang kẹt ở giữa và trở nên khó xử.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, Anh dường như sẽ ở thế bất lợi hơn so với Trung Quốc nếu căng thẳng xảy ra. Đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế Anh, và quốc gia này chưa thể thông qua một thỏa thuận thương mại mới với EU để thay thế cho thỏa thuận sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Đức Hoàng

Theo Bloomberg