1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria: Nga lại khiến Mỹ "mất mặt"

(Dân trí) - Sau những cuộc đàm phán hòa bình tại Munich, Đức cùng diễn biến trên chiến trường Aleppo, có hai điều đã trở nên rõ ràng đó là Nga vẫn đang làm chủ bàn cờ Syria, còn các tay súng đối lập được Mỹ hậu thuẫn chỉ cảm thấy bị bỏ rơi.

Kinh tế Nga có thể đang trượt dốc do giá dầu giảm mạnh, nhưng theo tờ Guardian, trong một tuần với những nỗ lực ngoại giao và quân sự dồn dập trên chiến trường Syria, Tổng thống Vladimir Putin vẫn cho cả thế giới thấy ảnh hưởng toàn cầu và tham vọng của nước Nga đang ngày một mạnh mẽ hơn, giữa lúc khó khăn về tài chính.

Sức mạnh Nga được chứng tỏ tại Syria bất chấp kinh tế khó khăn. (Ảnh: RT)
Sức mạnh Nga được chứng tỏ tại Syria bất chấp kinh tế khó khăn. (Ảnh: RT)

Ông Putin dường như đã sử dụng mọi vũ khí trong cuộc chiến Syria. Các chiến đấu cơ Nga giúp quân chính phủ Syria phá vỡ thế bế tắc tại Aleppo, cắt đứt các tuyên đường tiếp tế vào một thành phố từng là thành trì của phe đối lập nhiều năm qua.

Với việc hàng trăm nghìn người đang đối mặt với tình trạng bị vây hãm trong đống đổ nát của Aleppo, còn châu Âu lo sợ hàng trăm nghìn người nữa sẽ đổ về biên giới, gây ra một làn sóng người tị nạn mới, các nhà ngoại giao hàng đầu đã nhóm họp và phải chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn mong manh tại Munich, Đức.

Nga đã khiến các bên còn lại trên bàn đàm phán nhượng bộ nhiều đến mức, bản thỏa thuận bị giới quan sát xem như một sự chuẩn thuận vai trò của Nga tại Syria, thay vì thách thức nó. Các hành động tham chiến sẽ còn tiếp diễn trong vòng 2 tuần nữa, và ngay cả khi đã ngừng bắn, các cuộc ném bom tấn công “khủng bố” có thể tiếp diễn.

Điều này về cơ bản cho phép Nga tiếp tục ném bom như trước đây, bởi Mátxcơva lâu nay luôn tuyên bố chỉ nhắm tới những phần tử cực đoan, cho dù phương Tây cáo buộc Nga chủ yếu nhắm tới các địa điểm của phe đối lập. Các nhóm đối lập đến nay đã tuyên bố họ không thể chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn nếu nó không đồng nghĩa với việc Nga phải dừng không kích.

“Đàm phán không thể diễn ra khi Nga còn tiếp tục ném bom người của chúng tôi”, một lãnh đạo cấp cao của một trong những nhóm Hồi giáo đối lập chính tại Syria quả quyết.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov được cho là đã khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây phải nhượng bộ với thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Munich, Đức. (Ảnh: AFP)
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov được cho là đã khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây phải nhượng bộ với thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Munich, Đức. (Ảnh: AFP)

Do vậy, khi ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với các nhà ngoại giao thế giới cuối tuần này rằng, thỏa thuận ngừng bắn có khả năng cao sẽ thất bại hơn là thành công, ngay cả các nhà ngoại giao khác cũng tin rằng đó là một lời tiên đoán sẽ thành sự thật.

Khi được người điều phối hội nghị an ninh đề nghị cho biết mức độ lạc quan về khả năng các bên tham chiến buông súng trong vòng một tuần, ông Lavrov ước tính xác suất thành công là 49%.

Nga đã trở lại, che mờ Mỹ tại Trung Đông

Những gì diễn ra tại Munich dường như chắc chắn sẽ xác nhận những gì đang ngày một trở nên rõ ràng những tháng qua. Đó là Mátxcơva đã trở lại với tư cách một cường quốc tại Trung Đông, trong khi Washington ngày một mờ nhạt, chỉ còn là cái bóng của một cường quốc từng có tiếng nói lớn tại các sự kiện trong khu vực.

Chiến tranh Lạnh đã trở lại, như tuyên bố của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm thứ Bảy vừa qua, và vào thời điểm này Nga dường như đang đầy uy thế.

Chính quyền Tổng thống Syria Assad (trái) đang được Nga hậu thuẫn mạnh mẽ. (Ảnh: Kremlin.ru)
Chính quyền Tổng thống Syria Assad (trái) đang được Nga hậu thuẫn mạnh mẽ. (Ảnh: Kremlin.ru)

Ngay trong ngày thỏa thuận ngừng bắn được công bố, các nhà phê bình cảnh báo Mátxcơva đã có những bước đi khôn ngoan hơn Washington, và chỉ đang sử dụng các cuộc đàm phán cùng thỏa thuận này để củng cố những thành quả giành được. Đây là chiến thuật Nga đã mài giũa tại Ukraine.

Mỹ đã mất không chỉ vốn liếng chính trị. Thỏa thuận ngừng bắn còn có nguy cơ khiến họ bị bất đi niềm tin ở một số ít những nhóm đối lập ôn hòa còn lại trên chiến trường, những người cảm thấy họ bị bỏ rơi bởi một quốc gia từng hứa hẹn sẽ hậu thuẫn.

“Những người mà Mỹ từng cố gắng tài trợ giờ là mục tiêu của một kẻ thù trút bom không thương tiếc hoặc suy tính, và người Mỹ không thấy có vấn đề gì sao?”, một thành viên Quân giải phóng Syria đối lập tại Aleppo nói. “Họ không hề xứng đáng với sự tin tưởng của chúng tôi”.

Nga trái lại, đã tăng cường hỗ trợ chính quyền Assad. Cùng lúc ông Lavrov đưa ra nhận định về thỏa thuận ngừng bắn, một tàu khu trục tên lửa đã rời căn cứ hải quân tại Sevastopol, Crimea đến Địa Trung Hải. Đây chính là hành động công khai tăng cường hiện diện quân sự, vốn đã rất hùng hậu của Nga trong khu vực.

“Nhiệm vụ của Nga đó là bảo vệ chế độ Assad, dù không nhất thiết đồng nghĩa với việc ông Assad vẫn nắm quyền, nhưng là một chính quyền có thể chấp nhận được và sẽ bảo vệ các lợi ích của Nga”, nhà phân tích Alexei Makarkin, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị tại Mátxcơva nhận định. “Nếu Nga không có một đồng minh tại Trung Đông cũng như ảnh hưởng ở đây, thì họ không còn là một cường quốc”.

Việc hồi sinh chính quyền Assad sau nhiều tháng vấp phải thất bại là một hành động chứng tỏ sức mạnh của Mátxcơva với tư cách một người bảo hộ, cũng như sự sẵn lòng móc hầu bao vì bạn bè và khả năng gây khó khăn cho kẻ thù. Một cách cụ thể hơn, chiến dịch cũng giúp họ bảo vệ cảng quân sự tại Tartus, nơi Nga vẫn kiểm soát và vận hành từ thời Liên Xô cũ. Ngoài ra, căn cứ không quân Khmeimim, gần Latakia, với vai trò then chốt trong việc giúp Nga hoạch định sức mạnh tại Trung Đông, cũng được giữ vững.

“Ông ấy đang thay đổi vị trí các mảnh ghép trên bàn cờ, và ông ấy cũng đang tìm kiếm những điểm yếu”, nhà phân tích Masha Lipman nhận định về các các bước đi của Tổng thống Putin. “Tôi nghĩ mục tiêu còn lớn hơn thế, đó là khiến thế giới nhận ra Nga giờ là một thành viên mạnh mẽ trên trường quốc tế, và năng lực của Nga đang thay đổi”.

Việc hậu thuẫn chính quyền Assad cũng phù hợp với chính sách của Nga, phản đối việc thay đổi chính quyền trên thế giới. Ông Putin từng mô tả các cuộc cách mạng tại một số quốc gia Liên Xô cũ như nỗ lực của phương Tây hòng mở rộng ảnh hưởng. Ông chủ điện Kremlin cũng tranh luận rằng phong trào mùa xuân Ảrập chỉ dẫn tới những hỗn loạn và đổ máu.

Tuy nhiên, cho dù phương Tây có thể tránh đối đầu trực diện với Nga tại Syria, thế thượng phong của Mátxcơva sẽ không thể tránh khỏi những thách thức khác. Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã điều quân đội và chiến đấu cơ tới một căn cứ tại Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria, để gia nhập cùng các tay súng đối lập tham chiến trên bộ.

Về mặt chính thức, lực lượng trên bộ được điều đồng để giúp phe đối lập giành lại thành trì Raqqa từ IS, nhưng đây cũng chính là lực lượng đối địch với chính quyền Assad. Một khi họ có thể làm chủ thủ phủ của IS, không thể loại trừ khả năng họ quay súng về phía Damascus.

Thanh Tùng

Theo Guardian