1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thỏa thuận ngừng bắn Aleppo: Nga-Syria lùi một bước trước Mỹ?

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry vừa đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo, bắt đầu từ ngày 12/9.

Nga-Mỹ đạt thỏa thuận sau 15 giờ đàm phán

Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo cơ quan đối ngoại hai nước đã phá vỡ mọi kỷ lục từng có về thời gian, tổng cộng đàm phán 15 giờ, kể cả khoảng giải lao ngắn ngủi.

Sau khi cuộc hội đàm kết thúc, các nhà ngoại giao của Liên bang Nga và Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc họp báo chung, trình bày kế hoạch thỏa thuận tương lai, mà theo cam đoan của phía Hoa Kỳ, hứa hẹn sẽ là "ổn định", nhưng chỉ trong trường hợp nếu nhà cầm quyền và phe đối lập Syria cũng giữ lời hứa.

Nga tiến hành tham vấn với Hoa Kỳ về hoạch định phương thức hành động phối hợp tại Syria. Các bên đã thảo luận những bước đi nhằm hiệp lực thúc đẩy giải quyết xung đột, kể cả nhiệm vụ củng cố chế độ ngừng bắn và cộng tác Nga-Mỹ trong cuộc đấu tranh chống các nhóm khủng bố.

Ngay lúc bắt đầu cuộc họp báo chung, các ông Lavrov và Kerry đã công bố về kế hoạch cần thiết để giảm thiểu bạo lực ở Syria và khôi phục các động thái hướng tới đàm phán hòa bình của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và tất cả các phe nhóm đối lập ôn hòa.

Tổng cộng đã có năm điểm được ngoại trưởng hai nước thống nhất và soạn thảo thành tài liệu, mỗi văn kiện trong số đó đều được xây dựng để tạo điều kiện nối lại tiến trình chính trị tại nước Cộng hòa Ả Rập.

“Chúng tôi công bố kế hoạch sẽ là điểm khởi đầu để nối lại các bước đi theo giải pháp hòa bình ở Syria và chuyển đổi chính trị tại đất nước này. Và chúng tôi tin rằng nếu được thực hiện thì kế hoạch này sẽ có khả năng mang lại những thay đổi tích cực và trở thành điểm xuất phát trong tiến trình đó" - Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố.

Cụ thể, tương ứng với kế hoạch được công bố, Moscow và Washington nhất trí rằng, thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/9 và lực lượng vũ trang Syria sẽ không được thực hiện các chuyến bay trên lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát.

Tình hình Syria hiện quá phức tạp và sức Nga không kham nổi?
Tình hình Syria hiện quá phức tạp và sức Nga không kham nổi?

Nga và Hoa Kỳ cam kết làm tất cả những gì trong khả năng của hai nước để những thỏa thuận sẽ được tất cả các bên tôn trọng - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố.

Theo lời ông, nội dung cơ bản của những hiệp định này sẽ được trình bày trong Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của cả hai tổ chức.

Ông Sergei Lavrov lưu ý rằng, việc hoạch định những thỏa thuận này đã có phần nào bị cản trở bởi “sự thiếu tin cậy giữa Nga và Hoa Kỳ" về "hồ sơ Syria" cũng như về những câu hỏi khác.

Bộ trưởng Lavrov cho biết rằng cũng đã có không ít người muốn phá vỡ các thỏa thuận được thông qua hôm nay.

Ông lấy ví dụ mới nhất là việc công bố trừng phạt ngạo mạn tung ra ngay trước cuộc gặp của các Tổng thống Nga-Mỹ ở Trung Quốc, và tiếp theo là những biện pháp trừng phạt bổ sung sau cuộc gặp của các nguyên thủ và trước cuộc hội đàm của chúng tôi hôm nay.

Đạt thỏa thuận ngừng bắn: Nga và Syria lùi 1 bước?

Trong cuộc Hội đàm trước đó tại Geneva hôm 26/8, Nga và Mỹ cũng đã tuyên bố là sẽ đưa ra một tài liệu thống nhất quan điểm về vấn đề Syria. Đó là kết quả chủ yếu của cuộc hội đàm giữa các ông Sergei Lavrov và John Kerry tại Geneva kéo dài gần 12 giờ đồng hồ.

Tại buổi họp báo tổng kết, sau hơn 11 giờ làm việc có giải lao, các ông John Kerry và Sergei Lavrov bước ra nói chuyện với các nhà báo vào lúc gần nửa đêm và cho biết rằng, Moscow và Washington đã thực hiện “vài bước đi quan trọng” hướng tới đạt thỏa thuận cuối cùng về giải quyết xung đột.

Ông Kerry và ông Lavrov nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington có nhiệm vụ giảm bớt sự mất lòng tin lẫn nhau. Vấn đề chính vẫn không thay đổi là làm thế nào phân định ranh giới trên mặt đất giữa phe đối lập ôn hòa Syria và các chiến binh, để nhóm thứ nhất không che giấu cho nhóm thứ hai.

Ngoại trưởng John Kerry lập luận rằng, phân tách là việc không dễ dàng, nhưng Hoa Kỳ coi "al-Nusra" (một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda Syria) và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là như nhau, xóa bỏ những đồn đại về sự mập mờ trong quan hệ giữa Washington và al-Qaeda.

Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng, mặc dù cả Nga và Mỹ đều chưa công bố nội dung chi tiết của thỏa thuận chính thức giữa hai nước, tuy nhiên, nội dung mới nhất vừa được tiết lộ đã cho thấy rằng, Moscow và Damascus đã có những nhượng bộ nhất định trước Washington.

Trước đây, Mỹ đã từng ra “tối hậu thư” cho không quân Syria là không được bay trên lãnh thổ của người Kurd, sau vụ máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Syria (mới nhận từ Nga) không kích mục tiêu của lực lượng vũ trang người Kurd ở al-Hasakah.

Khi đó, máy bay Syria đã không kích khu vực phụ cận nơi đồn trú của lực lượng đặc nhiệm Mỹ và liên quân. Do đó, Mỹ đã điều máy bay F-22 từ căn cứ không quân mới lập ở Syria là Rmeilan lên ngăn chặn Su-24. F-22 đã bay theo máy bay Syria “3 khúc quanh” mà đối phương không phát hiện ra.

Sau khi Washington ra “tối hậu thư”, cả Moscow và Damascus đều cho rằng, Syria là quốc gia có chủ quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận, máy bay Syria có quyền bay trên lãnh thổ của mình và tấn công bất cứ mục tiêu khủng bố nào, đòi hỏi này của Mỹ là điều hoàn toàn vô lý.

Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo bắt đầu từ ngày 12/9
Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Aleppo bắt đầu từ ngày 12/9

Tuy nhiên, như bình luận của Reuters, đến cuộc hội đàm lần này, Nga và chính quyền Syria đều đã phải nhượng bộ Mỹ một phần, trước hết là việc không quân Syria ngừng các chuyến bay oanh tạc các mục tiêu đối lập, nhường lại việc này cho không quân Nga-Mỹ.

Sau đó là việc chính quyền Syria chiều ngày 10/9 đã ra tuyên bố tán thành thỏa thuận của Nga và Hoa Kỳ về ngừng bắn, được bắt đầu vào ngày 12/9 tới đây.

"Chính phủ Syria đồng ý với thỏa thuận đã đạt được giữa Liên bang Nga với Hoa Kỳ và lệnh ngừng bắn sẽ đi vào hiệu lực ở Aleppo, bắt đầu từ ngày 12/9 vì lý do nhân đạo" - phương tiện truyền thông địa phương, dẫn nguồn thân cận với chính quyền Syria ngày 10/9 cho biết.

Mặc dù không quân Syria cũng không có đóng góp quá nhiều vào việc tiêu diệt các mục tiêu IS nhưng việc họ thực hiện các chuyến bay trên không phận của mình là hành động mang tính biểu tượng, khẳng định chính quyền Assad vẫn có tiếng nói và vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề của nước mình.

Còn việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn cũng không phải là điều gì quá ghê gớm bởi thỏa thuận như vậy đã từng đạt được và đã từng bị phá vỡ. Điều này cũng thể hiện rõ xu hướng trên chiến trường là quân đội chính phủ cũng không giành được quá nhiều ưu thế.

Theo Nhật Nam

Đất Việt