Thỏa thuận Minsk được thực thi thế nào?
Lệnh ngừng bắn ở Ukraine đang ngày càng được các bên tôn trọng hơn, trong khi tình hình an ninh đã được cải thiện.
Tuy nhiên thỏa thuận hòa bình Minsk dường như không thể được thực thi hoàn toàn trong năm nay mà phải đợi đến năm sau. Đó là kết luận được đưa ra sau cuộc họp của nhóm Bộ tứ Normandy hôm 2/10.
Thỏa thuận hòa bình Minsk khó có thể được thực thi đầy đủ trong năm nay.
Xích lại gần nhau
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã xích lại gần nhau hơn sau các vòng đối thoại mới đây. Một số hình ảnh từ cuộc họp của nhóm Bộ tứ Normandy cho thấy hai vị lãnh đạo này đã có cú bắt tay đầu tiên.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng chia sẻ cùng quan điểm với bà Merkel, nói rằng cuộc họp kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ đã mang lại một số viễn cảnh tích cực.
Trong cuộc họp lần này, 4 nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới việc rút toàn bộ vũ khí hạng nặng khỏi miền Đông Ukraine. Bên cạnh đó, theo một tuyên bố từ người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, thì lệnh rút vũ khí hạng nhẹ khỏi khu vực trên cũng sẽ được thực thi bắt đầu từ ngày 3/10.
Các vòng đàm phán tổ chức ở Paris hôm 2/10 tập trung vào việc đánh giá tiến trình thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk, với sự góp mặt của Nga, Ukraine, Đức và Pháp.
Trong khi tiến trình này đang tỏ ra rõ ràng hơn bao giờ hết, thì việc thực thi hoàn toàn các điều khoản trong thỏa thuận lại chưa hoàn thành. Nhiều lãnh đạo cũng đưa ra bình luận rằng thỏa thuận hòa bình Ukraine khó có thể thực thi hoàn toàn vào cuối năm nay, như họ dự kiến.
Về các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở miền Đông Ukraine, ông Hollande nhấn mạnh rằng chúng nên được tổ chức trong khoảng thời gian dưới 80 ngày sau khi chính quyền Kiev thông qua một bộ luật về bầu cử. Tuy nhiên, ông cũng thêm rằng cuộc bầu cử ở Cộng hòa tự xưng Donetsk, dự kiến tổ chức vào ngày 18/10, là không thể chấp nhận.
Về phần mình, Tổng thống Valdimir Putin nhắc lại rằng vấn đề về bầu cử địa phương ở khu vực miền Đông Ukraine cần phải được thảo luận với những đại diện của 2 nước Cộng hòa tự xưng là Donetsk và Lugansk.
Cuộc họp nhóm Bộ tứ Normandy trước đó được tổ chức ở cấp Ngoại trưởng hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, nơi các bên thỏa thuận tăng cường đối thoại giữa Kiev và người ly khai ở miền Đông trước thời điểm mùa đông. Cuộc họp sắp tới dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 11 tới.
Còn nhiều điểm khuyết
Vòng họp đầu tiên của nhóm Bộ tứ Normandy trong năm nay diễn ra hồi tháng 2, trong đó các bên đưa ra thỏa thuận Minsk, kêu gọi một giải pháp hướng tới lộ trình bình ổn tình hình trong khu vực.
Thỏa thuận Minsk được thực thi kể từ ngày 15/2, trong đó yêu cầu các bên rút toàn bộ vũ khí hạng nặng, trao đổi tù binh và thay đổi hiến pháp nhằm tổ chức đối thoại giữa chính quyền Kiev và hai nước Cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine. Việc công nhận tình trạng đặc biệt và tản quyền đối với khu vực miền Đông cũng là một phần trong thỏa thuận này.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn phải đến mãi cuối tháng 8 mới thực sự có hiệu lực, khi cả phía chính quyền Kiev và hai nước Cộng hòa tự xưng thực sự đình chiến vào ngày 1/9. Cả hai bên vẫn thỉnh thoảng cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận Minsk. Việc rút vũ khí hạng nặng cũng chỉ mới được thực thi vào tháng 9.
Thêm vào đó, nhóm tiếp xúc ở Minsk cũng đạt được một thỏa thuận về việc rút toàn bộ vũ khí có cỡ nòng dưới 100 mm hôm 29/9.
Cả hai bên hiện nay đều khẳng định họ đang thực thi nghiêm túc thỏa thuận Minsk, nhưng tiến trình hòa bình này vẫn thực sự thiếu đi phần quan trọng nhất là tổ chức đối thoại giữa Kiev và đại diện người ly khai ở miền Đông. Đây là một vấn đề khuyết thiếu mà Moscow liên tục nhắc lại trong các vòng đàm phán về sự quan trọng của nó.
Theo Khánh Duy
Đại đoàn kết