1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ với giấc mơ EU xa lắc

Dù đau đầu với làn sóng người di cư, Liên minh châu Âu (EU) vẫn không trả giá hời để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ giữ chân người di cư lại trước khi họ tìm đường đến EU.

Thổ Nhĩ Kỳ với giấc mơ EU xa lắc - 1

Người tị nạn tìm cách đến các quốc gia châu Âu. (Nguồn: todayonline.com)

Báo Le Monde (Pháp) nhận định như trên về thỏa thuận được đánh giá là lịch sử đã được EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết tối 29-11 tại Brussels (Bỉ).

Thỏa thuận dài ba trang bao gồm nhiều cam kết nhưng không có lộ trình thực hiện cụ thể. Theo thỏa thuận, EU sẽ viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ euro (ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ đòi cấp 3 tỉ euro mỗi năm) để Thổ Nhĩ Kỳ chăm sóc cho 2,2 triệu người di cư Syria đang dừng chân ở nước này. Tiền chỉ được cấp từng đợt phụ thuộc vào đề án cứu trợ người di cư Ankara sẽ trình cho EU.

EU cũng đồng ý nới lỏng chế độ cấp visa EU cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ từ mùa thu năm 2016 với điều kiện từ nay đến đó Thổ Nhĩ Kỳ phải kiểm soát chặt chẽ biên giới hơn nữa, ngăn chặn bọn cò đưa người di cư vượt biên và nhận lại số người di dân kinh tế bị EU trả lại. Mỗi tháng EU sẽ làm báo cáo đánh giá quá trình thực hiện của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu phát biểu: “Chúng tôi không thể nói số người di cư đến châu Âu có giảm hay không, điều đó tùy thuộc vào tình hình ở Syria nhưng tôi có thể bảo đảm Thổ Nhĩ Kỳ cam kết giữ lời hứa trong chương trình hành động với châu Âu”.

Với tư cách là nước đầu tiên tiếp nhận người di cư và là nước đề nghị tổ chức hội nghị ngày 29-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel còn đưa ra sáng kiến tổ chức hội nghị bảy nước liên quan trực tiếp nhất với vấn đề khủng hoảng nhập cư (Hy Lạp, Áo, Hà Lan, Bỉ, Phần Lan, Thụy Điển, Luxembourg) để các nước tiếp nhận một bộ phận người di cư Syria đến trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ bằng con đường hợp pháp.

Tuy nhiên, sáng kiến biến “di dân bất hợp pháp thành hợp pháp” này không được các nước EU lưu tâm. Hồi tháng 9, EU đã từng đưa ra kế hoạch phân bổ chỉ tiêu 160.000 người di cư. Rốt cuộc kế hoạch thất bại và bây giờ các nước chỉ muốn “từ từ tính sau”.

Về chuyện Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập EU (thời gian thương lượng đã kéo dài 12 năm), thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ rất phấn khởi: “Trong những năm tới, sự kiện gia nhập EU sẽ không còn là ước mơ mà sẽ trở thành hiện thực”. Thế nhưng Tổng thống Pháp François Hollande đã dội gáo nước lạnh: “Tiến trình gia nhập đã được tiến hành từ nhiều năm nay rồi, vậy nên không có lý do gì tăng tốc hay trì hoãn cả”.

Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ ngày 14-12 tới sẽ đàm phán về chương 17 (về chính trị, kinh tế và tiền tệ) chứ chưa đàm phán hai chương 23 và 24 (về tư pháp và các quyền tự do công dân) như Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn. Cyprus cản mũi kỳ đà đối với Thổ Nhĩ Kỳ về hai chương 23 và 24 từ năm 2009 và đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải thỏa thuận với Cyprus chuyện chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus.

Giữa hội nghị, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thẳng thừng tố Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên vi phạm không phận Hy Lạp trên biển Aegean: “May mắn là các phi công Hy Lạp không có tính khí hay đổi ý như phi công Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga”. Xem ra đường đến EU của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn xa lắc!

Theo TNL/Pháp luật TPHCM

Thổ Nhĩ Kỳ với giấc mơ EU xa lắc - 2