1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ toan tính gì khi gây rối ở Syria?

Việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngoan cố và sẵn sàng trở thành ngòi nổ trong cuộc chiến tại Syria được dự đoán là nhằm mục đích lấy lại niềm tin từ Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ phiến quân chống chính phủ Assad

Ngày 27/2, trả lời hãng tin Al-Jazeera, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định, Ankara sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm phiến quân chống chính phủ ở Syria mặc dù loại trừ trường hợp cử quân bộ binh đến nước này.

“Làm sao những chiến binh đối lập có thể tự bảo vệ được mình nếu không có sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Assad không thể kiểm soát toàn bộ được lãnh thổ của mình là do sự can thiệp từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hứa sẽ làm mọi thứ vì những người anh em tại Syria, những người thực sự chống lại chính quyền ông Assad, khủng bố hay bất kì lực lượng nước ngoài nào đang xâm lược Syria như Iran hay Nga”, Thủ tướng Davutoglu nói.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ phiến quân chống chính phủ Assad
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ phiến quân chống chính phủ Assad

Theo nhà lãnh đạo Ankara, chiến dịch không kích của Nga đang nhằm mục tiêu thanh trừng sắc tộc xung quanh Aleppo khi tiêu diệt tất cả những người Sunni, Kurd, Turkoman, Saudi Arabia và đẩy những người này đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thành người tị nạn ở châu Âu.

Ngoài ra, ông Davutoglu cũng tỏ ra khá nghi ngờ với lệnh ngừng bắn mới bắt đầu tại Syria vào hôm 27/2.

“Tất nhiên, chúng tôi muốn hoà bình và chấm dứt bạo lực ở Syria. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi tôi lạc quan với vấn đề này thế nào thì tôi phải thừa nhận rằng, mình không hề lạc quan do tất cả các cuộc đàm phán đều đang được sử dụng sai mục đích bởi Nga, Iran và chính quyền Damascus”, ông Davutoglu nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 25/2, Thủ tướng Davutoglu khi phát biểu trên kênh truyền hình CNN bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố nước này có quyền không bị ràng buộc bởi kế hoạch ngừng bắn ở Syria nếu an ninh của họ bị đe dọa.

“Thỏa thuận ngừng bắn sẽ không ràng buộc được chúng tôi khi nảy sinh tình hình đe dọa tới an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, và chúng tôi sẽ có những biện pháp cần thiết để chống lại cả YPG lẫn IS nếu cảm thấy cần thiết. Ankara là nơi duy nhất quyết định các hành động liên quan đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Davutoglu nói.

Thậm chí mới đây kênh truyền hình REN-TV còn công bố một đoạn clip ghi lại những hình ảnh chứng minh sự gia tăng hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới sát với Syria.

Theo nguồn tin, đạn súng cối và các loại đạn dược khác đã được đưa tới các chốt quân sự của Ankara, vốn đang nã súng về phía các chiến binh người Kurd ở biên giới Syria.

Rõ ràng có thể thấy rằng, dù thỏa thuận ngừng bắn, tiến tới hòa bình tại Syria đã được ký kết nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ âm mưu đưa quân vào Syria và sẵn sàng trở thành ngòi nổ gây ra tình trạng căng thẳng cho khu vực.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ ngoan cố tại Syria?

Giới phân tích cho rằng, một loạt những hành động gây hấn, gia tăng thêm căng thẳng của chính quyền Erdogan thời gian qua với thỏa thuận ngừng bắn tại Syria là để thực hiện những toan tính chính trị mới. Dường như Ankara hi vọng thông qua sự việc lần này để thể hiện sự có ích của mình trong chiến lược Mỹ nhằm lấy lại thiện cảm từ đồng minh. Ngoài ra, cá nhân Tổng thống Erdogan cũng đang muốn chứng minh vai trò cá nhân và thực hiện hóa tham vọng khôi phục “Đế chế Ottoman” hùng mạnh thuở xưa.

Những diễn biến trên chiến trường Syria đã chứng minh những nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở.

Giới phân tích cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng những căng thẳng chủ yếu nhằm chứng minh cho Nhà Trắng thấy lợi ích của Ankara trong chiến lược Mỹ
Giới phân tích cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng những căng thẳng chủ yếu nhằm chứng minh cho Nhà Trắng thấy lợi ích của Ankara trong chiến lược Mỹ

Thực tế, lâu nay Washington đã tỏ thái độ lạnh nhạt với Thổ Nhĩ Kỳ trước những đề nghị đưa quân vào lãnh thổ Syria. Thậm chí Nhà Trắng còn không ngại ngần bày tỏ e ngại cũng như chỉ trích gay gắt trước việc Ankara nã pháo vào khu vực người Kurd ở Syria.

Trong quá trình đàm phán các bên nhằm thực hiện thỏa thuận ngừng bắn tại Damascus, dù chính quyền Erdogan phản ứng mạnh mẽ với lực lượng người Kurd nhưng Washington vẫn bắt tay Nga để đưa lực lượng này vào thành phần hòa đàm tại Geneva, Thụy Sĩ. Ngoài việc không tán thành quan điểm của Ankara, Nhà Trắng còn khẳng định người Kurd là lực lượng chính nghĩa có vai trò tích cực trong cuộc chiến chống IS.

Ngày 29/2, khi Thổ Nhĩ Kỳ lăm le đưa quân vào Syria thì Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Jonh Kerry tiếp tục có cuộc điện đàm về thỏa thuận ngừng bắn tại đây.

Hai quan chức Nga và Mỹ đã trao đổi những đánh giá về việc thực thi thỏa thuận ngừng các hoạt động giao chiến tại Syria, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ về mặt quân sự giữa hai nước với tư cách là đồng Chủ tịch Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria. Hai bên cũng thể hiện quan điểm phản đối hành động tung những thông tin mang tính khiêu khích về việc không tuân thủ lệnh ngừng bắn tại Damascus.

Rõ ràng có thể thấy rằng, những toan tính của Ankara tại Syria đều trở nên bất lợi và khó có thể thực hiện được nếu không được sự chống lưng giúp sức của Mỹ. Trong bối cảnh bị đồng minh lạnh nhạt, việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn thể hiện sự đối đầu với Nga nhằm thay đổi thái độ Mỹ cũng là điều có thể hiểu được.

Mặt khác, giới phân tích cũng chỉ ra rằng nhà lãnh đạo Erdogan đang muốn thông qua hoạt động này để cải thiện hình ảnh xấu xí trước đó, chứng minh tham vọng của bản thân trong vấn đề người Kurd và tham vọng khôi phục “Đế chế Ottoman”.

Theo trang tin Sputnik của Nga, tướng lĩnh Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo Tổng thống Erdogan nếu chính quyền Ankara đưa quân bộ binh vào Syria, thì họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, không thể sửa chữa được, hành động này có thể là nguyên nhân làm nảy sinh thêm sự bất ổn kéo dài, và ngày càng nghiêm trọng hơn trong khu vực.

Thực tế dù đã tiến hành nhiều biện pháp tại Damascus nhưng những toan tính ban đầu của Ankara đang dần bị Moskva điềm tĩnh hóa giải. Đối với Tổng thống Erdogan, cá nhân ông vẫn không nhận được sự ủng hộ từ đồng minh Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây khắp nơi, việc nghe theo lời khuyên của các chuyên gia trong nước có thể là một bước đi tỉnh táo và khôn ngoan của nhà lãnh đạo Ankara thời điểm này.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt