Thổ Nhĩ Kỳ lạnh nhạt tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/8 đã bắt đầu chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ giữa 2 nước gần đây. Tuy nhiên, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đáp lại bằng sự tiếp đón khá lạnh nhạt.
Chuyến thăm của ông Biden được cho là nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa Washington và Ankara sau những rạn nứt do cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 mà Thổ Nhĩ Kỳ nghi có sự can thiệp của Mỹ. Tuy nhiên, Ankara lại tỏ ra khá lạnh nhạt. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cử các quan chức cấp bậc thấp ra tiếp đón ông Biden tại sân bay, trong đó có phó thị trưởng Ankara. Thậm chí khi chuyến thăm chưa kết thúc, Daily Sabah - một tờ báo thân chính quyền của Tổng thống Recep Erdogan - đã bình luận rằng: “Ông Biden đã mất công công du, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì bị phí phạm thời gian”.
Được biết, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông Biden đã thể hiện thái độ “nhận lỗi” và “hòa giải”, một thái độ hoàn toàn khác với Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đó khi ông gay gắt chỉ trích giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vì loan tin Mỹ đứng sau vụ đảo chính. Ngoài ra, ông Biden cũng một lần nữa chia buồn với chính phủ của Tổng thống Erdogan về cuộc đảo chính hôm 15/7 khiến gần 300 người thiệt mạng và kéo theo đó là một đợt thanh lọc bộ máy lớn chưa từng có.
Ông Biden gọi những kẻ đảo chính là “những tên khủng bố” theo đúng cách mà ông Erdogan gọi và cũng nói rằng: “Ước gì tôi có thể đến đây sớm hơn. Tôi muốn nói rõ rằng Mỹ luôn sát cánh cùng với đồng minh của mình là Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi tuyệt đối và kiên định ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tuy nhiên, trong lúc Phó Tổng thống Mỹ say sưa nói thì nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngả lưng vào ghế và mặt vẫn lạnh tanh. Đến khi ông Biden ngừng lời, ông Erdogan mới lên tiếng nói rằng quan hệ với Mỹ là quan hệ “đối tác kiểu mẫu”, nhưng ông cũng lập tức đề nghị Mỹ bắt giữ và dẫn độ giáo sĩ lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen - người bị Ankara cáo buộc “giật dây” vụ đảo chính.
Trước đề nghị này, ông Biden một lần nữa nhắc lại, việc dẫn độ đòi hỏi phải có thời gian và nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào các bằng chứng đưa ra có thuyết phục hay không.
Về điều này, Mỹ vẫn khẳng định rằng để Washington dẫn độ giáo sĩ Gulen, Thổ Nhĩ Kỳ cần đưa ra những bằng chứng xác thực về sự dính líu của ông Gulen tới cuộc đảo chính, và rằng mọi việc cần được thực hiện theo đúng quy trình do pháp luật Mỹ quy định.
Với vị thế địa chính trị quan trọng, trong thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là tâm điểm trong các cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga. Ngoài ra, với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách thành viên của NATO được coi là có vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.
Minh Phương
Theo Politico, Bloomberg