Thổ Nhĩ Kỳ đưa 1.000 đặc nhiệm vào Syria
Trong khi quốc tế đang tập trung vào chiến dịch không kích TP Aleppo, một hoạt động khác âm thầm hơn được cho là có thể thay đổi cục diện Syria.
Theo trang tin Independent hôm 2-10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa binh sĩ, trong đó có 1.000 đặc nhiệm, cùng vũ khí, phương tiện vào Syria để lập vùng an toàn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết đây là một phần chiến dịch “Lá chắn Euphrates” nhằm thiết lập vùng an toàn. Khu vực này có diện tích 900km vuông, không còn bóng dáng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và được mở rộng dần về phía Nam. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến có thể tăng diện tích khu vực này lên 5.000km vuông.
Mỹ và phương Tây đang phản đối Thổ Nhĩ Kỳ lập vùng an toàn bên trong Syria.
Đây không phải là lần đầu tiên chiến dịch quân sự “Lá chắn Euphrates”của Ankara dẫn đến mâu thuẫn với Washington. Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức IS bất chấp Washington khuyến cáo không được làm thế.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện đóng bên ngoài thị trấn Manbij cùng với lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA). Họ chuẩn bị đánh đuổi các tay súng Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ra khỏi đó sau khi SDF chiếm nơi này từ tay IS. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí bàn chuyện băng qua sông Euphrates để đối phó với "kẻ thù" người Kurd.
Mục tiêu kế tiếp của cuộc chiến chống IS tại Syria là Raqqa, được xem là thành trì của tổ chức này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ sẽ chỉ tham gia chiến dịch này nếu Mỹ gạt lực lượng người Kurd ra ngoài.
"Nếu Mỹ muốn giành lại Raqqa bằng cách phối hợp cùng lực lượng người Kurd, chúng tôi sẽ không tham gia chiến dịch. Nếu họ bỏ qua lực lượng này, chúng tôi sẽ tham gia cùng Mỹ" - Tổng thống Erdogan tuyên bố gần đây. Nhà lãnh đạo này cũng không quên chỉ trích Mỹ vì ủng hộ người Kurd. Bất chấp sức ép từ Ankara, Washington Mỹ cho đến giờ vẫn xem người Kurd là nòng cốt của chiến dịch chống IS.
Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-10 thông qua việc gia hạn thêm 1 năm quyết định cho phép quân đội đưa binh sĩ ra nước ngoài.
Quyết định này được đưa ra năm 2014 và được gia hạn thêm 1 năm hồi tháng 9-2015.
Cuộc bỏ phiếu trên cũng cho phép lực lượng nước ngoài sử dụng căn cứ không quân và lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại IS, các đảng và lực lượng người Kurd mà Ankara xem là khủng bố.
Theo M.Khuê/ Independent, Tân Hoa xã
Người Lao động