1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tiến quân vào miền bắc Iraq?

(Dân trí) - Trongnhững ngày gần đây nhiều thông tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị một lực lượng quân hùng mạnh ở biên giới Iraq, làm tăng lo ngại một cuộc thâm nhập vào hang ổ của quân nổi dậy người Kurd có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến sâu vào Iraq tới mức nào, sẽ ở đó trong bao lâu, và động thái của các đồng minh ở Washington và ở NATO sẽ ra sao?

 

Tất cả những câu hỏi trên đều đang đè nặng lên vai các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do bởi, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị “ép” giữa một bên là chính phủ được người Hồi giáo ủng hộ và một bên là phe phái được quân đội ủng hộ, khi mà chưa đầy hai tuần nữa cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra (vào ngày 22/7) nhằm xoa dịu những căng thẳng trong nước.

 

Cuộc xâm lược này có thể chuyển sự chú ý từ những chủ đề tranh cử, như kinh tế, sang mối quan tâm khác: Đó là liệu chính phủ cùng các phe phái đối lập có thể dùng vấn đề Iraq để giành sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc trong cuộc bỏ phiếu sắp tới hay không.

 

Hôm qua, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan phát biểu trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ rằng, đất nước sẽ làm mọi biện pháp cần thiết nếu Mỹ không thực hiện được cam kết giúp đập tan quân nổi dậy người Kurd. Tuy nhiên có vẻ như ông cảm thấy miễn cưỡng khi phải bật đèn xanh cho một cuộc thâm nhập ngay trước thềm bầu cử.

 

“Chúng tôi cảm thấy rất tiếc bởi Mỹ vẫn im lặng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ra sức đấu tranh chống lại khủng bố. Mỹ đã hứa với chúng tôi, vì vậy họ cần phải giữa lời. Nếu không, chúng tôi phải tự hành động”, Erdogan cho biết. “Chúng tôi hi vọng sẽ không có tình huống bất thường nào trước cuộc bầu cử. Nhưng sẽ có một cuộc đánh giá lại sau bầu cử”.

 

Mục đích của cuộc thâm nhập bằng quân sự vào Iraq là để truy tìm quân nổi dậy thuộc đảng Công nhân người Kurd, hay PKK. Những tên này hiện đang lẩn trốn, huấn luyện và tái vũ trang ở những căn cứ xa xôi tại khu vực với phần đa là người Kurd ở miền bắc Iraq. Sau đó, chúng sẽ vượt qua vùng núi vào Thổ Nhĩ Kỳ, tấn công các mục tiêu ở đây. Trong những tháng gần đây, quân nổi dậy đã gia tăng các cuộc tấn công, càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy cần phải làm gì đó.

 

Tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Iraq Hoshyar Zebari, một người Kurd ở miền bắc Iraq, rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung 140.000 quân ở biên giới giáp Iraq, khiến cả hai phía biên giới cùng “căng như dây đàn”. Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không có bình luận gì, trong khi chính quyền Bush khẳng định không hề có một cuộc tập hợp lực lượng nào như thế.

 

Mặc dù các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng cho rằng một cuộc thâm nhập là cần thiết, nhưng rất khó có thể biết họ đã chuẩn bị đến mức nào, bởi nhiều vùng dọc biên giới Iraq là “vùng an ninh”, là nơi dân thường không được lui tới. Cũng có nhiều thông tin Thổ Nhĩ Kỳ thỉnh thoảng nã pháo vào các vị trí do quân nổi dậy chiếm giữa ở Iraq; lính biệt kích đến hẹn lại tiến hành những cuộc truy bắt quân nổi dậy xuyên biên giới.

 

Những năm 1990, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hàng loạt các cuộc triển khai vượt biên giới, với hàng chục ngàn binh lính, máy bay chiến đấu tấn công vào hang ổ của quân nổi dậy ở vùng núi. Kết quả rất khó nói. Bởi sau khi phần lớn lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ rút đi, quân nổi dậy lại tái hợp.

 

Nhưng lần này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt với sự chống trả của người Kurd, Iraq. Họ là những người được trao quyền tự trị mới kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ vào năm 2003.

 

Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện chính sách cận đông Washington, cho rằng mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn là thu hút sự quan tâm nhiều hơn của Mỹ tới vấn đề này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động nếu quân nổi dậy người Kurd tiếp tục tấn công. Nước này có một số lực lượng ở Iraq, hoạt động trong khu vực cách biên giới chung 16-25km. Cagaptay nói rằng giám sát khu vực này là “cách duy nhất để Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát được biên giới”.

 

Ngoài nguy cơ căng thẳng với Mỹ, một lo ngại khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ là tác động của chiến dịch quân sự tới nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu.

 

Sinan Ogan, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và các quan hệ quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết còn có một lựa chọn khác, đó là tiến hành một chiến dịch oanh kích trên quy mô nhỏ. Biện pháp này sẽ giúp chính phủ xoa dịu áp lực trong nước. Nếu bộ binh tiến vào Iraq, để có thể đánh giá được tác động của chiến dịch, họ sẽ phải ở đó ít nhất 6 tháng.

 

“Một chiến dịch quân sự trước các cuộc bầu cử sẽ mang lại cho chính phủ cầm quyền nhiều phiếu bầu hơn, do vậy có thể họ sẵn sàng cho phép một chiến dịch như thế’’, ông nói.

 

PV

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm