1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ: Biểu tình chống chính phủ leo thang nguy hiểm

(Dân trí) – Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo sang ngày thứ hai liên tiếp và lan rộng khắp 48 thành phố, trong đó có Istanbul và thủ đô Ankara. Cảnh sát và người biểu tình đã xô xát và hơn 900 người bị bắt giữ.

Những cảnh tượng tại các thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ hai ngày vừa qua khiến người ta liên tưởng đến phong trào Mùa xuân Arập tại châu Phi, khi rất đông người biểu tình chống chính phủ nổi loạn, đốt phá còn cảnh sát đáp lại bằng lựu đạn hơi cay và vòi rồng.

Biểu tình đã lan rộng 48 thành phố tại Thổ Nhĩ Kỳ
Biểu tình đã lan rộng 48 thành phố tại Thổ Nhĩ Kỳ

Theo hãng tin AP, trong ngày hôm qua, hàng nghìn người biểu tình đã đổ về quảng trường trung tâm Istanbul sau khi các cuộc đụng độ với cảnh sát biến thành phố này thành một chiến trường bị bao phủ bởi khói lựu đạn hơi cay.

Mặc dù đã có những nhân nhượng nhất định đối với người biểu tình, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố hoạt động này là phi dân chủ và bất hợp pháp.

Sự giận dữ của người dân lên cao sau khi cảnh sát đã dùng vũ lực để giải tán những người biểu tình ngồi tại khu quảng trường Taksim, khiến các cuộc biểu tình lan rộng ra hàng chục thành phố khác. Người biểu tình tuyên bố cách điều hành của ông Erdogan ngày càng mang tính độc tài.

Khi biểu tình bước sang ngày thứ hai, cảnh sát đã bắn lựu đạn hơi cay và sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông. Đáp lại người biểu tình ném đá và chai lọ về phía lực lượng chức năng trong lúc tiến về Taksim. Nhiều cửa hàng tại khu vực vốn tập trung đông khách du lịch và khách sạn hạng sang này đã phải đóng cửa.

Sau đó cơ quan chức năng buộc phải dỡ bỏ rào chắn và cho phép hàng nghìn người biểu tình tuần hành vào trong quảng trường nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trong phát biểu của mình ông Erdogan tuyên bố những người biểu tình chỉ là những kẻ “thiểu số”, đang tìm cách áp đặt các đòi hỏi của mình bằng vũ lực, và tuyên bố ông có thể dễ dàng kêu gọi 1 triệu người tuần hành ủng hộ chính phủ.

“Tôi không cho rằng một chính phủ đã nhận được đa số phiếu bầu thì có năng lực vô hạn…và có thể làm tất cả những gì họ muốn”, vị thủ tướng phát biểu trên truyền hình. “Nhưng nếu như phe đa số không thể áp đặt ý muốn của mình lên phe thiểu số, thì phe thiểu số cũng không thể áp đặt mong muốn của họ lên phe đa số”.

Dưới sự lãnh đạo của Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế, trở thành trung tâm chính trị trong khu vực sau thời kỳ Mùa xuân Arập. Dù được hậu thuẫn rộng rãi bởi những người Hồi giáo có tư tưởng bảo thủ ở các vùng nông thôn, ông vẫn là một nhân vật gây nhiều chia rẽ trong cộng đồng người thế tục, và bị chỉ trích vì phong cách lãnh đạo có phần cứng rắn.

Hàng trăm người biểu tình đã bị thương sau khi xô xát với lực lượng chức năng, trong đó có 4 người bị mù vĩnh viễn vì lựu đạn hơi cay và đạn cao su của cảnh sát, Huseyin Demirdizen, đại diện Hiệp hội thầy thuốc Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định với hãng tin AP. Ông cho biết có ít nhất 2 người biểu tình đang nguy kịch

Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler cho biết hơn 900 người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình, nhưng một vài người đã được thả sau khi bị thẩm vấn. Tuy nhiên ông không cho biết hiện còn bao nhiêu người bị giam giữ. Ông Guler xác nhận biểu tình đã lan ra 48 thành phố.

Sau khi cảnh sát rút khỏi quảng trường Taksim, người biểu tình đã ăn mừng “chiến thắng” và còn hô vang khẩu hiệu đòi ông Erdogan từ chức. Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia biểu tình.

Chùm ảnh biểu tình lan rộng tại Thổ Nhĩ Kỳ

Thanh Tùng
Thanh Tùng
Thanh Tùng
Thanh Tùng
Thanh Tùng
Thanh Tùng
Thanh Tùng
Thanh Tùng

Thanh Tùng
Theo AP