1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thổ khởi động Euphrates 2, Mỹ dằn mặt Ankara

Tấn công người Kurd tại Syria và Iraq được coi là bước tiến mới trong chiến dịch lá chắn Euphrates mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi.

Mỹ cảnh báo Thổ

Theo ARA news ngày 25/4, không lực Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các mục tiêu của người Kurd ở Syria, khiến 20 người thiệt mạng và 18 người khác bị thương.

"Sáng 25/4, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã dội bom các vị trí của Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở Mount Karajukh, khiến 20 tay súng của chúng tôi thiệt mạng và 18 người khác bị thương, 3 trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch. Không những thế, vụ ném bom của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn gây thiệt hại nặng về cơ sở vật chất tại khu vực", phát ngôn viên của YPG, ông Redur Xelil nói.

Một quan chức người Kurd khác là ông Ilham Ahmad, đồng chủ tịch Hội đồng Dân chủ Syria (SDF), cho rằng, hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ là không thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định: "Từ thời điểm này, chúng tôi sẽ không để các khu vực của chúng tôi, nơi đang có hàng trăm ngàn người tị nạn, bị bắn phá".

Bên cạnh đó, ông Salih Muslim, đồng chủ tịch PYD, đã kêu gọi liên minh quốc tế không thể nhắm mắt làm ngơ trước các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd.

"Liên minh quốc tế không được im lặng, phải thể hiện thái độ của mình trước những cuộc tấn công này của Ankara. Lực lượng người Kurd Syria đang đấu tranh chống lại các nhóm khủng bố, lại trở thành mục tiêu bị tấn công. Vì thế, liên minh quốc tế không thể nhắm mắt làm ngơ trước những vụ việc như thế này", ông Muslim kết luận.

Chiều cùng ngày, một phái đoàn của YPG và một đại tá của quân đội Mỹ, đại diện cho liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã đến thăm khu vực bị tấn công.

Tấn công người Kurd, Thổ đã đụng chạm đến Mỹ
Tấn công người Kurd, Thổ đã đụng chạm đến Mỹ

Liên quan đến vấn đề này, Kom News dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner hôm 25/3 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Đảng Lao động người Kurd (PKK).

"Chúng tôi cũng nhận thức được mối đe dọa mà PKK đặt ra cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không thể theo đuổi cuộc chiến đó. Nó sẽ ảnh hưởng tới chi phí dành cho cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố đang đe dọa tất cả chúng ta", ông Toner nói với các phóng viên.

"Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc không kích vào lực lượng người Kurd ở Bắc Syria cũng như ở Bắc Iraq mà không có sự trao đổi với Hoa Kỳ", ông Toner nói thêm.

Thổ Nhĩ Kỳ xem PKK là một nhóm khủng bố. Trong khi đó PKK cũng tham gia vào cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả Syria lẫn Iraq.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters trong dinh tổng thống ở Ankara hôm 25/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mạnh mẽ lên tiếng nhằm bảo vệ các cuộc không kích gần đây của Ankara ở Iraq và Syria.

Ông Erdogan tuyên bố rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục theo đuổi các hoạt động quân sự ở cả hai nước này.

Tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra vài giờ sau khi các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các chiến binh người Kurd ở Sinjar và miền bắc Syria hôm 25/4.

Tham vọng của Thổ

Đây là đợt không kích đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria kể từ khi chính quyền Ankara tuyên bố hoàn tất chiến dịch quân sự chưa từng có tiền lệ tại Syria vào tháng 3 vừa qua.

Rất có thể, đây chính là bước tiến mới trong chiến dịch lá chắn Euphrates mà Ankara đang theo đuổi (có thể gọi là chiến dịch lá chắn Euphrates 2).

Theo giới phân tích, trọng tâm của chiến dịch mới này sẽ là 2 khu vực chính, bao gồm Raqqa và Idlib-Hama. Đặc biệt, Ankara sẽ tiến hành các biện pháp can thiệp vào Syria hòng làm suy yếu ảnh hưởng của trục Syria-Nga-Iran và tăng cường vị thế của Ankara trong khu vực Idlib-Hama.

Hiện phần lớn tỉnh này thuộc địa bàn kiểm soát của nhóm khủng bố thân Saudi Arabia là Hayat Tahrir al-Sham, do Jabhat Fateh al-Sham (trước đây là Jabhat al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda của Syria) lãnh đạo. Đây là thuận lợi lớn cho Ankara can thiệp quân sự vào đây.

Trong thời gian qua, một số nhóm chiến binh đã tham gia vào chiến dịch Lá chắn Euphrates có thể đã được Thổ Nhĩ Kỳ rút từ Aleppo về miền nam nước này, đi vòng sang địa bàn tỉnh Hatay và xâm nhập vào tỉnh Idlib để tham gia cuộc tiến công của Hayat Tahrir al-Sham ở miền bắc Hama.

Bản đồ Syria ngày 26/4
Bản đồ Syria ngày 26/4

Các đơn vị của nhóm phiến quân đối lập là Ahrar al-Sham, một nhóm chiến binh lớn tham gia vào các nỗ lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria cũng đã tham gia các trận đánh ở miền bắc Hama chống quân chính phủ Syria.

Với chiến trường này, Thổ Nhĩ Kỳ không thể lấy danh nghĩa chống khủng bố nhưng Ankara vẫn có thể điều quân can thiệp trực tiếp vào Syria với danh nghĩa ''kiềm chế'' lực lượng phiến quân, trong một ''thỏa thuận hòa bình'' nào đó mà Ankara có thể vẽ ra sau này.

Đối với Raqqa, chính quyền Ankara sẽ không để yên cho người Kurd mở rộng phạm vi ảnh hưởng lớn và xây dựng Liên bang phía Bắc Syria. ''Niềm kiêu hãnh'' của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị động chạm nếu người Kurd thành lập một chính thể chính trị ngang bằng với họ.

Theo quan điểm của Ankara, các đơn vị YPG liên kết với đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Điều này là không thể chấp nhận được trong bối cảnh PKK đang mở cuộc đấu tranh vũ trang đòi độc lập ở miền Nam nước này.

Việc người Kurd Syria nhăm nhe thành lập Liên bang khiến Thổ lo ngại rằng, nó sẽ trở thành hậu phương lớn cho PKK mở cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại họ. Do đó, Thổ sẽ tìm mọi cách ngăn cản thế lực của người Kurd lớn mạnh lên, mà trực tiếp là không cho họ độc chiếm Raqqa.

Theo Hồng Hải

Đất Việt