1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thiết bị nghe lén tinh vi của Liên Xô từng khiến tình báo Mỹ đau đầu

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Mỹ không hay biết rằng một món quà mà Liên Xô gửi tặng và được treo ngay trong phòng làm việc của Đại sứ Mỹ ở Moscow đã bị cài thiết bị nghe lén.

Thiết bị nghe lén tinh vi của Liên Xô từng khiến tình báo Mỹ đau đầu - 1

Mỹ đã tiết lộ về thiết bị nghe lén cài trong tấm phù điêu của Liên Xô trước Liên Hợp Quốc vào tháng 5/1960 (Ảnh: Getty).

Một phát minh dành cho hoạt động gián điệp của Liên Xô có tên gọi "Zlatoust" đã trở thành viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho Internet vạn vật. Đó là một công nghệ đơn giản đến kỳ lạ từ giữa thế kỷ trước, cho đến nay vẫn còn hữu dụng.

Làm thế nào mà một thiết bị đánh cắp bí mật giờ đây đã trở thành "người canh gác" trong các cửa hàng, một "thủ kho" lý tưởng và là cơ sở của những thiết bị thông minh?

"Zlatoust" của Liên Xô

Mátxcơva, ngày 4/8/1945. Phần châu Âu của Thế chiến thứ hai đã kết thúc. Mỹ và Liên Xô đang suy tính về cách xây dựng mối quan hệ tiếp theo trong tương lai.

Trong buổi chiêu đãi tại Đại sứ quán Mỹ, một nhóm thiếu nhi từ Đội thiếu niên Tiền phong Liên Xô đã mang đến tặng Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Averell Harriman một tấm phù điêu khắc gỗ mang hình quốc huy của Mỹ. Có thể coi đây là một cử chỉ tượng trưng cho mối quan hệ giữa hai siêu cường.

Tất nhiên, các nhân viên an ninh của Đại sứ quán Mỹ đã kiểm tra món quà lưu niệm đồ sộ bằng gỗ này để tìm hiểu xem trong đó có gắn chíp điện tử hay không, nhưng họ không tìm thấy đường dây điện hay cục pin nào và cho rằng nó là món đồ vô hại.

Đại sứ Harriman đã cho treo món quà ý nghĩa đó vào một vị trí trang trọng trên bức tường trong phòng làm việc của mình - và kể từ đó, trong suốt 7 năm ròng tiếp theo, "Zlatoust" đã truyền tải tất cả những cuộc trao đổi trong phòng làm việc của Đại sứ Mỹ đến trạm nghe lén của tình báo Liên Xô.

Ông Harriman không thể ngờ rằng trong món quà của Liên Xô lại chứa một thiết bị nghe lén - một sản phẩm đặc biệt có tên gọi là "Zlatoust", được Lev Theremin, một trong những nhà phát minh thực thụ, đi đầu của thế kỷ 20, sáng chế. Lev Theremin từng nổi tiếng với một nhạc cụ có tên là thereminvokx, một loại nhạc cụ điện mang tính cách mạng, không cần phải chạm vào nhạc cụ khi chơi.

Năm 1928, Theremin chuyển sang Mỹ, theo chỉ thị của tình báo Liên Xô. Tại Mỹ, ông được cấp bằng sáng chế cho một công cụ và hệ thống báo động nội bộ, đồng thời ông cũng tổ chức ra các công ty Teletouch và Theremin Studio. Theo một số tác giả, các công ty này chỉ là vỏ bọc cho tình báo Liên Xô.

Năm 1938, ông được gọi về Liên Xô, trong khi bà vợ người Mỹ của nhà phát minh, Lavinia Williams, cho rằng ông đã bị bắt cóc. Một năm sau, Teremin bị bắt, bị kết án và đưa đi cải tạo tại Kolyma, và từ đó ông được điều đến văn phòng thiết kế TKB-29, được gọi là Trại của Tupolev. Ở đó, Teremin đã sáng chế ra nhiều thứ, trong đó có "Zlatoust".

Mọi thứ đều hết sức đơn giản

Thiết bị nghe lén tinh vi của Liên Xô từng khiến tình báo Mỹ đau đầu - 2

Nhà phát minh người Liên Xô Lev Theremin - tác giả của thiết bị nghe lén Zlatoust (Ảnh: Getty).

Năm 1953, lần đầu tiên trong lịch sử tình báo quân sự Liên Xô, Thượng tá Pyotr Popov đã tự bán mình làm gián điệp cho CIA. Y đã thông báo cho người Mỹ về vụ rò rỉ thông tin từ đại sứ quán của họ ở Moscow.

Để kiểm tra thông tin, các nhân viên phản gián Mỹ đã kiểm tra căn phòng của Đại sứ Mỹ tỉ mỉ hơn bằng cách sử dụng máy dò bức xạ điện từ. Khi đó, họ ghi lại được một tín hiệu đáng ngờ ở tần số 800 MHz, tín hiệu này được phát đi từ món quà của Liên Xô. Các kỹ thuật viên của CIA đã tháo dỡ tấm quốc huy xuống và tìm thấy một vết trám bất thường bên trong.

Thiết bị nghe lén được gắn bên trong tấm quốc huy. Trông nó hết sức đơn giản, giống một ăng-ten được gắn vào một cái hốc với một màng chắn màu bạc đóng vai trò như một micrô. "Zlatoust" hoạt động mà không cần đến pin hoặc nguồn điện nào cả.

Để kích hoạt thiết bị, một tín hiệu vô tuyến tần số 800 MHz liên tục được gửi đến tấm quốc huy kia từ trạm nghe lén của Bộ Nội vụ Liên Xô đặt trong tòa nhà bên cạnh Đại sứ quán Mỹ. Khi có người nói chuyện trong văn phòng, lớp màng mỏng cảm nhận được sự dao động của sóng âm. Dao động đó điều biến phản xạ của tín hiệu vô tuyến chiếu xạ, và sóng vô tuyến phản xạ rơi vào ăng ten vô tuyến của một cột thu sóng khác. "Zlatoust" hoạt động giống như một chiếc gương khi phản chiếu ánh sáng.

Từ công cụ gián điệp đến Internet vạn vật

Thiết bị phát thụ động trên có thể coi là tiền thân đầu tiên của công nghệ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến) hiện nay.

Một công nghệ RFID tương tự đã được sử dụng trong hệ thống nhận dạng của Hải quân Mỹ. Người ta đã sử dụng nó trong Chiến tranh thế giới thứ hai để xác định mục tiêu "bạn hay thù": máy bay được "đánh dấu" bằng radar và một máy thu phát đáp đặc biệt phản ứng với ánh sáng, phát ra tín hiệu "đây là quân ta".

Khi các bộ vi xử lý trở nên rẻ hơn, người ta đã có thể trang bị cho chúng những thứ có giá cả và kích thước nhỏ hơn nhiều so với một chiếc máy bay. Ngày nay, chúng được sử dụng trong thẻ ngân hàng, trong hộ chiếu và còn được sử dụng để chống trộm. Các thư viện và hãng hàng không sử dụng thẻ RFID để theo dõi vị trí của sách và hành lý.

Một số trong đó được trang bị nguồn điện, nhưng hầu hết, cũng như thiết bị nghe trộm của Theremin, chúng được cấp nguồn từ xa bằng tín hiệu đầu vào. Điều này làm cho thẻ trở nên rẻ hơn. Giống mã vạch, thẻ RFID có thể được sử dụng để nhanh chóng xác định một đối tượng. Tuy nhiên, không giống như mã vạch, chúng có thể được quét tự động và ở các khoảng cách khác nhau.

Với sự ra đời của mạng di động 5G, Internet vạn vận sẽ nhận được một động lực mới để phát triển, có nghĩa là RFID - "thế hệ cháu chắt" của thiết bị nghe trộm Liên Xô  - giờ đây trở nên ngày càng phổ biến.