1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thiết bị bay siêu nhỏ - những thách thức an ninh

Tại hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 4 diễn ra trong hai ngày 31-3 và 1-4-2016 tại Washington D.C, Mỹ, nhiều nguyên thủ các nước bày tỏ lo ngại về một trò chơi chiến tranh mới của IS, sử dụng những chiếc drone mang theo chất thải hạt nhân giết chết hàng chục nghìn người, để lại di hại vài chục năm sau.

Sự phổ biến của thiết bị bay không người lái

Thiết bị bay không người lái (drone) với rất nhiều biến thể như UAV (máy bay không người lái), Flycam, Hexacopter, Octocopter - các thiết bị bay mang theo camera... đang thay đổi thế giới.

Chúng giúp ích cho nhiều lĩnh vực như quan sát, theo dõi, quay phim, chụp ảnh, khí tượng, bảo vệ rừng, cứu hộ và các mục đích an ninh, quân sự. Trong tương lai, chưa ai dự đoán được công nghệ chế tạo thiết bị bay không người lái có thể thay đổi bầu trời thế nào, nhưng nguy cơ các phần tử khủng bố sử dụng drone đã khiến cho các nhà lãnh đạo thế giới lo lắng.

Thiết bị bay siêu nhỏ - những thách thức an ninh - 1

Nhờ khả năng tự định vị và bộ xử lý quản lý bay tự ổn định, người ta có thể điều khiển các drone rất dễ dàng. Drone có gọn nhẹ và chỉ cần vài phút để sẵn sàng triển khai. Do cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, chúng được sử dụng không giới hạn, mọi địa hình và giới quân sự rất ưa thích đặc điểm im lặng của chúng.

Nhờ đó, hoạt động giám sát tàng hình, trinh sát cả ban đêm và ban ngày đều được thực hiện dễ dàng hơn các phương tiện bay kềnh càng như máy bay có phi công. Hệ thống định vị quang học ghi nhớ khu vực dưới mặt đất và theo dõi vị trí này ngay cả trong điều kiện không có tín hiệu GPS. Các thiết bị tân tiến tiếp tục được ổn định nhờ có sự kết hợp độc đáo của các cảm biến hồi chuyển, khí áp và từ tính. Các loại drone bán trên thị trường đáp ứng các nhu cầu làm việc và giải trí.

Thế hệ drone mới có cả hệ thống gập độc đáo, có thể mang được nhiều kiểu camera nhiệt và hồng ngoại. Thời gian bay trong điều kiện thời tiết bình thường là 25 phút. Các thiết bị bay có mô-tơ mạnh mang được khối lượng tối đa lên đến 10kg và bay liên tục 40 phút. Gần đây, flycam trở thành thú chơi mới của giới trẻ. Đó là một loại drone cất, hạ cánh thẳng đứng có thể mang những máy quay phim trên không được điều khiển từ xa.

Nó đem lại cảm hứng sáng tạo rất lớn cho ngành điện ảnh nhờ những góc quay mới, những khoảng không mà con người không thể với tới được như các thung lũng khổng lồ, đỉnh các tòa nhà hay trên sân vận động. Thiết bị bay siêu nhỏ thường có từ 4-6 cánh quạt, có thể mang theo các loại máy quay phim, máy ảnh để ghi lại hình ảnh từ trên không và gửi về thiết bị điều khiển dưới mặt đất. Trước đây để quay được những cảnh từ trên không, người ta phải dùng máy bay trực thăng và không phải góc quay nào cũng thực hiện được. Nay chỉ với một thiết bị nhỏ và người điều khiển, chi phí sẽ giảm rất nhiều và tiện lợi hơn trước.

Hiện nay có nhiều loại drone được công khai quảng cáo, bày bán các trên mạng. Thậm chí nhiều trang web hướng dẫn cách chế tạo và điều khiển drone. Do đó, việc quản lý các thiết bị bay không người lái là một thách thức không nhỏ trong tương lai.

Khả năng ứng dụng không giới hạn

Phương cách chống khủng bố mới nhất là sử dụng những máy bay không người lái ở độ cao 10.000 feet, phóng tên lửa Hellfire vào mục tiêu. Tất cả được vận hành bởi các nhân viên CIA cách xa 7.500 dặm ở căn cứ không quân Nellis gần Las Vegas trong sa mạc Nevada. Thực chất đó là những robot bay ở vị trí để chủ động chống lại kẻ thù trên một chiến trường.

Sức mạnh của vũ khí robot đang nổi lên, bao gồm cả “khả năng nhìn và suy nghĩ”. Những chiếc máy bay có thể lập trình một điểm đến và tự bay. Chúng có thể đi theo một mục tiêu trong nhiều ngày từ độ cao vô hình, trong khi những người điều khiển chúng từ xa rất ung dung vì an toàn tuyệt đối.

Các UAV được điều khiển từ Mỹ có thể sát thương có chủ đích bất cứ đâu trên thế giới. Lực lượng quân sự UAV được một số quốc gia biên chế chính thức và đang trở thành một lực lượng chiến đấu trực tiếp, có thể là một binh chủng trong tương lai không xa. Phần lớn các quyết định về mục tiêu, thời gian và địa điểm phóng tên lửa từ UAV được quyết định tại Trung tâm chống khủng bố của CIA.

Các quan chức Mỹ rất tự hào với sự chính xác của công nghệ mới, bảo đảm điều khiển các tên lửa tinh vi có trường nổ giới hạn đến đúng mục tiêu. Công nghệ UAV được phát triển đến mức có thể chuyển hướng vào phút chót nếu cần thiết, bảo đảm an toàn gần như tuyệt đối cho lực lượng bộ binh Mỹ.

Ở Pakistan, quân đội Mỹ không sử dụng bộ binh mà sử dụng UAV để tránh những cáo buộc về việc vi phạm chủ quyền quốc gia. Vụ tấn công tiêu diệt Baitullah Mehsud vào tháng 8-2009 là một ví dụ. Mehsud là một lãnh đạo Taliban người Pakistan, được cho là chủ mưu vụ ám sát Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto và chỉ huy các vụ tấn công cảm tử ở Afghanistan và Pakistan. CIA đã phát hiện ra Mehsud nhờ máy bay trinh sát không người lái Predator. Hai ngày sau, tên này bị một UAV phóng hai quả tên lửa Hellfire tiêu diệt khi đang trú ẩn trên gác mái của một ngôi nhà ở miền Nam Waziristan (Pakistan).

Sau đó, cũng chính UAV đã ghi lại hình ảnh Mehsud bị cắt làm đôi trong làn khói bụi. Năm tháng sau, Kakimullah Mehsud, kẻ kế nhiệm Baitullah Mehsud cũng bị UAV tiêu diệt. Chiến thuật UAV chứng minh rằng, nước Mỹ có thể tìm kiếm và tiêu diệt các nghi can khủng bố ở mọi địa hình, kể cả những vùng đất xa xôi hẻo lánh ở Afghanistan, Iraq hay Pakistan mà không cần đưa bộ binh vào tình thế nguy hiểm.

Nước Mỹ đã phát triển UAV như một vũ khí lợi hại để loại bỏ kẻ thù của mình. Drone đang phát triển thành đội quân robot tấn công từ xa rất hiệu quả, được biên chế chính thức trong quân đội như một binh chủng, kết hợp công nghệ tự động với tin tức tình báo. Hiện nay, quân đội Mỹ sở hữu đội quân hàng chục nghìn drone trực tiếp tham chiến ở Trung Đông và Afganistan.

Những nguy cơ chưa có lời giải

Trên mạng Internet đang rao bán nhiều loại máy bay không người lái (pilotless drone) với giá rẻ. Ngoài ra, nhiều trang mạng hướng dẫn cụ thể cách chế tạo các thiết bị bay điều khiển từ xa để mọi người tự chế tạo. Tại Mỹ, chỉ riêng trong năm 2014 đã có 700 nghìn drone được bán. Các cơ quan an ninh, quốc phòng của các quốc gia lo ngại rằng, các thiết bị bay, lặn hoặc hành trình trên mặt đất được điều khiển từ xa bị kẻ xấu lợi dụng vào mục đích tấn công khủng bố, phá hoại hoặc sử dụng vào các hoạt động thu thập tin tức tình báo, khai thác thông tin đời tư...

Phương tiện bay không người lái có thể mang một lượng thuốc nổ 4-10kg. Trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, UAV đã áp dụng phương thức này. Một UAV tấn công tương đương nhiều phần tử đánh bom tự sát cùng tấn công một mục tiêu tại một thời điểm.

Các cơ quan an ninh lo ngại nhất nguy cơ khủng bố gắn mìn lên một chiếc quadcopter, điều khiển nó bay tới bất cứ không gian nào để thả mìn trúng mục tiêu hoặc kích nổ như một quả bom. Flycam có thể chứa vũ khí vi trùng, vũ khí thần kinh, thuốc nổ lỏng… khi đến mục tiêu sẽ tự động nổ tung. Kể cả khi bị bắn hạ thì cũng vẫn gây ra hậu quả khôn lường với đám đông bên dưới.

Thiết bị quay phim chụp ảnh trên không cũng có thể được sử dụng để quay lén người khác, quay phim và chụp các khu vực cấm như kho tàng vũ khí, căn cứ quân sự, đại sứ quán, nhà riêng các nguyên thủ hoặc bám vào tường để thu âm bí mật... Nếu được phát triển theo tốc độ như hiện nay, các drone thế hệ mới sẽ đủ khả năng mang theo các loại vũ khí, tên lửa được điều khiển từ xa, thực hiện các vụ ám sát qua cửa sổ các tòa cao ốc. Chưa kể, các thiết bị bay có thể gây ra các thảm họa hàng không khi va chạm với máy bay.

Một nghiên cứu của đại học Birmingham (Anh) bày tỏ lo ngại bọn khủng bố có thể dễ dàng điều khiển máy bay không người lái tấn công vào những nơi đông người như nhà ga, sân vận động hay trung tâm thương mại. Chúng cũng có thể sử dụng máy bay không người lái, flycam hay multicopter để rải chất độc hóa học và sinh học xuống đám đông bên dưới.

Một UAV duy nhất hoặc nhiều UAV tiêu diệt một mục tiêu giá trị cao, như chính trị gia, tòa nhà chính phủ, kho thuốc nổ... Chúng cũng có thể thả vũ khí hóa học, chất phóng xạ hay thuốc độc xuống khu đô thị, sông ngòi gây nên tổn thất lớn về người, kinh tế, nhưng trên hết là gieo rắc nỗi sợ hãi tâm lý cho nhân loại.

Điều mà các cơ quan tình báo Mỹ và các nước châu Âu lo ngại nhất là các chiến binh IS hoặc al-Qaeda đơn độc đang náu mình ở châu Âu và Mỹ sử dụng công nghệ UAV để tấn công. Tin tức tình báo cho biết, IS đã sử dụng máy bay không người lái tại Iraq và Syria để thu thập thông tin tình báo, nắm bắt tình hình chiến trường.

Nếu như chúng tấn công vào một sự kiện thể thao lớn như Olympic hoặc World Cup thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Chúng có thể vừa tấn công vừa dùng flycam ghi lại các hình ảnh hỗn loạn và chết chóc, truyền trực tiếp lên Internet gây ra sự kinh hoàng cho hàng triệu người.

Nếu các vụ tấn công như thế được lực lượng cực đoan và khủng bố tiến hành thì cũng rất khó ngăn chặn. Kể cả khi hệ thống phòng thủ của phương Tây vô hiệu hóa hệ thống định vị vệ tinh dẫn đường trên UAV của khủng bố, chúng có thể sử dụng cảm biến dẫn đường quán tính lập trình sẵn đường đi, thời gian và địa điểm như một tên lửa hành trình.

Do đó, các cơ quan chức năng cần hạn chế việc chế tạo, kinh doanh và sở hữu các UAV cỡ lớn. Lực lượng an ninh và quốc phòng cần tính đến các kịch bản xấu để xây dựng các chiến thuật ngăn chặn, gây nhiễu hoặc bắn hạ những máy bay không người lái. Ngay cả việc bắn hạ một chiếc UAV cũng không đơn giản nếu nó mang theo vũ khí vi trùng, sinh học hoặc chất nổ lỏng, khi rơi xuống sẽ phát nổ hoặc phát tán virus vào không khí.

Mỹ và Anh quy định độ cao tối đa của phương tiện bay không người lái là 121m, không được đến gần sân bay và máy bay thương mại. Pháp luật Mỹ yêu cầu đăng ký, sở hữu và điều khiển máy bay không người lái, trọng lượng máy bay không quá 24kg, chỉ được sử dụng ban ngày. Người điều khiển phải được cấp chứng chỉ.

Chính phủ Ba Lan quy định, máy bay không người lái muốn bay vào khu vực sân bay trong bán kính 25km phải có giấy phép đặc biệt của cơ quan hàng không. Những máy bay không người lái từ 25kg trở lên phải có giấy phép đăng ký, người sở hữu phải có chứng chỉ điều khiển hàng không.

Theo Anh Khôi

PetroTimes