1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

“Thích nghi hoặc chết”: Lựa chọn của doanh nghiệp Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại

(Dân trí) - Các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải tìm cách thích nghi với những tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ nếu không muốn đối mặt với nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn.

“Thích nghi hoặc chết”: Lựa chọn của doanh nghiệp Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại - 1

Cơ sở sản xuất giày tại Ôn Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Zhu Jun, chủ công ty giày Yi He Footware Ôn Châu, cho biết ông đã bật khóc khi tòa án thành phố tịch thu chiếc xe ô tô trong mơ của ông.

Công ty của Zhu đã phá sản hai tháng trước đó khi nhiều khách hàng trì hoãn thanh toán tiền trong khi Zhu không có tài sản thế chấp để vay thêm. Chiếc Audi Q7 của Zhu đã bị tòa án ở vùng ven biển phía đông Trung Quốc tịch thu để trả lương cho các công nhân.

“Chuyện này thật quá tàn nhẫn với các công ty tư nhân. Vấn đề tài chính chưa bao giờ khó khăn đến thế trong 4 năm công ty của tôi vận hành”, Zhu chia sẻ trong cuộc phỏng vấn tại trung tâm thương mại giầy quốc tế Ôn Châu - nơi gần như không có bóng người vào một buổi sáng thứ 5 dù đang trong mùa cao điểm mua sắm.

Từng là thành phố nổi tiếng với sự ra đời của hàng loạt doanh nhân triệu phú trong thời kỳ hoàng kim của ngành sản xuất Trung Quốc, Ôn Châu hiện phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng và đương đầu với những cú sốc khiến cỗ máy công nghiệp khổng lồ của thành phố này vận hành khó khăn.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhu cầu nội địa ít ỏi, chi phí tăng cao và sự siết chặt của chính phủ đối với các hoạt động tài chính “đen” cũng như vấn đề ô nhiễm đã góp phần làm nên bức tranh ảm đạm của thành phố này.

Ngay cả trước khi nổ ra tranh chấp thương mại với Mỹ - khách hàng lớn nhất của Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu chuyển dịch nền kinh tế từ các ngành công nghiệp sản xuất sang các ngành dịch vụ và công nghệ cao. Tổng nợ của Trung Quốc hiện cao gấp 2,5 lần so với GDP và các nhà kinh tế học ngày 14/1 dự báo chính phủ Trung Quốc sẽ công bố tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,6%, mức thấp nhất trong gần 3 thập niên. Lòng tin doanh nghiệp bị xói mòn trong khi tiêu dùng của người dân cũng sụt giảm.

Đằng sau những số liệu trên là sự thay đổi đang diễn ra trong cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc và rộng hơn là cả thế giới. Trong khi các hoạt động kinh tế toàn cầu có xu hướng đi theo vòng xoáy, sự thay đổi tại Trung Quốc đã gây ra tác động sâu rộng. Nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc chuyển hướng từ nhà cung cấp hàng hóa cho toàn thế giới sang một quốc gia đẩy mạnh cạnh tranh để giành vị thế thống trị về công nghệ đã làm khuynh đảo trật tự toàn cầu.

“Nhiều công ty làm ăn thất bại và chi phí tăng cao đã trở thành gánh nặng cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên điều này cũng thúc đẩy sự thay đổi. Trong vài năm tới, tôi hy vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ khác đi”, Tao Dong, phó chủ tịch ngân hàng ở Hong Kong, nhận định.

Thích nghi để tồn tại

“Thích nghi hoặc chết”: Lựa chọn của doanh nghiệp Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại - 2

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. (Ảnh: Reuters)

Tại Ôn Châu - thành phố cảng với 9 triệu dân ở tỉnh Chiết Giang, những công ty thoát khỏi khủng hoảng là những công ty có xu hướng làm tốt hơn trong việc thích nghi với sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc.

Midpoint Group, hãng sản xuất các thiết bị như đèn điều khiển bằng giọng nói hay máy đo huyết áp, đã đạt mức tăng lợi nhuận 10% trên doanh thu 200 triệu Nhân dân tệ (29,6 triệu USD). Từng là cơ sở sản xuất thiết bị vệ sinh và công tắc điện, Midpoint Group cho biết họ đã phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bằng cách chuyển sang sản xuất những hàng hóa mang lại giá trị cao hơn và chi 5% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Năm nay, công ty này dự kiến chế tạo hệ thống camera để giám sát người già tại nhà.

Không giống những lần khủng hoảng trước đây, các nhà hoạch định chính sách lần này tại Trung Quốc đã hạn chế bơm thêm tiền vay mượn để vớt vát tăng trưởng. Thay vào đó, họ tập trung vào các biện pháp kích cầu có mục tiêu nhằm ngăn kinh tế sụt giảm dần dần.

Số liệu công bố gần đây cho thấy sản xuất công nghiệp trong tháng 12/2018 tăng trưởng giảm xuống còn 5,3% trong khi tốc độ tăng trưởng GDP quý 4/2018 đạt 6,4%, mức thấp nhất tính từ giai đoạn “xuống đáy” của khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập niên.

Một phần quan trọng để giải quyết bài toán kinh tế của Trung Quốc hiện nay là khôi phục lòng tin của các doanh nghiệp tư nhân khi họ đóng góp tới 60% GDP, 80% việc làm và 90% việc làm mới. Nhiều công ty tư nhân gặp khó khăn do chính phủ siết chặt kiểm soát nguồn vay tài chính và ô nhiễm môi trường. Điều này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhà nước khi được tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước và nguồn tài chính dồi dào để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường.

Một công ty cho vay trực tuyến đặt tại Ôn Châu nằm trong trong số các nạn nhân của chính sách siết chặt cho vay tín dụng đen của chính phủ Trung Quốc. Tháng 11/2018, công ty tài chính này đã nhận được thông báo về việc phải dừng các hoạt động mới và xóa các khoản vay còn tồn đọng. Tuy vậy, quản lý của công ty cho biết nhu cầu vay vẫn còn do một số doanh nghiệp không thể vay tiền từ ngân hàng.

Với động lực chưa từng có, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân bằng cách khuyến khích các ngân hàng cho các công ty nhỏ vay nhiều hơn. Ông Tập cũng ghi dấu ấn cá nhân vào chiến dịch này khi tuyên bố ủng hộ “vững chắc” khối doanh nghiệp tư nhân. Một loạt các chính sách đã được đưa ra nhằm giúp giảm thiểu chi phí kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng, miễn thuế cho các công ty vừa và nhỏ, hạ thấp chi phí an sinh xã hội.

Trong khi Midpoint, hãng sản xuất các thiết bị gia dụng công nghệ cao, nói rằng họ được hưởng lợi từ các chính sách của chính phủ, hầu hết các công ty được Bloomberg phỏng vấn tại Ôn Châu trong tháng này đều cho biết họ vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ tác động tích cực nào.

Thành Đạt

Theo Bloomberg