1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thị trường chao đảo, các công ty Nhật lao đao

Làn sóng bài Nhật ngày càng lên cao tại Trung Quốc khiến thị trường chứng khoán Tokyo và các công ty Nhật hốt hoảng. Họ là những người đang mong kiếm được một phần của thị trường đông dân nhất thế giới.

Chỉ số Nikkei hôm thứ hai giảm 3,8% so với hôm thứ sáu, mức suy giảm lớn nhất trong gần một năm qua.

Các nhà phân tích cho rằng một phần của sự sụt giảm này là do giá cổ phiếu rớt tại các thị trường Mỹ hồi tuần trước. Tuy nhiên giới chức Nhật thừa nhận rằng tư tưởng bài Nhật ở Trung Quốc cũng đóng góp một phần. 

"Có khả năng là mối lo ngại về tương lai của quan hệ giữa Nhật và các nước láng giềng đã dẫn đến sự suy giảm này", Chánh văn phòng nội các Nhật Hiroyuki Hosoda nhận định.

Ngành vận tải đường biển và ngành thép vốn có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. "Nếu căng thẳng tiếp tục lên cao và các nhà chính trị không thể giải quyết được vấn đề thì nền kinh tế sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề", Yuji Shimanaka, người đứng đầu phòng nghiên cứu đầu tư của Viện UFJ, nhận định.

Các cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đã bắt đầu tác động trực tiếp lên các công ty Nhật làm ăn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Trong khi các công ty này vẫn còn đang dọn dẹp đống hỗn độn do những người biểu tình gây ra thì các giám đốc bắt đầu sợ rằng tâm lý bài Nhật sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của họ.

Taiyo Yuden, một công ty sản xuất linh kiện điện tử, đã phải ngừng sản xuất tại hai nhà máy ở Dongwan hôm thứ bảy khi gần 2.000 nhân viên biểu tình phản đối việc Bộ Giáo dục Nhật thông qua việc tái bản cuốn sách giáo khoa lịch sử. Những người biểu tình thậm chí đã phá cả cổng công ty. Theo lời khuyên của cảnh sát địa phương, các đại lý của tập đoàn bán lẻ Aeon ở Thâm Quyến và Chu Hải đã đóng cửa hôm chủ nhật.

4 trong số 220 đại lý của tập đoàn Lawson chịu thiệt hại trong các vụ biểu tình hôm thứ bảy ở Thượng Hải. Người ta đã ném đá và trứng thối vào các cửa hàng và làm vỡ cửa sổ. Những người biểu tình đã ném rác vào một cửa hàng của Lawson và họ buộc phải đóng cửa vào sáng hôm sau. Các nhà hàng của Yoshinoya D&C cũng đóng cửa tại Bắc Kinh và Thượng Hải hôm thứ bảy.

Khoảng 4.500 công ty Nhật đang hoạt động tại Thượng Hải, nơi có khoảng 34 nghìn người đến từ quốc đảo đang sinh sống.

Những cuộc biểu tình cũng khiến một số công ty Nhật phải thay đổi kế hoạch. Công ty máy tính Casio hoãn một cuộc họp báo vào cuối tháng 4. Theo kế hoạch, công ty sẽ giới thiệu về một loại từ điển điện tử mới.

Trong khi các công ty sản xuất ôtô Nhật vẫn đang lên kế hoạch tham gia vào cuộc triển lãm ôtô quốc tế ở Thượng Hải vào thứ sáu này thì đại diện của các công ty này thừa nhận họ lo sợ về thái độ của những người đến dự.

Các quan chức tại các trụ sở của những tập đoàn của Nhật cũng đang đau đầu với kế hoạch cho thị trường Trung Quốc.

Công ty Kirin Brewery hoãn buổi họp báo công bố về chiến lược mới cho thị trường Trung Quốc hôm 13/4 ở Tokyo. Quyết định về ngày giờ tổ chức lại cuộc họp báo này sẽ phụ thuộc vào diễn biến ở Trung Quốc, phát ngôn viên Kirin cho biết.

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/Asahi

Dòng sự kiện: China - Japan Relations