Trung - Nhật: Hết mưa, trời có sáng?
Cuối cùng thì cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Koizumi và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị Á - Phi cũng đã diễn ra. Tuy nội dung chưa được tiết lộ, song lời tuyên bố tích cực của Thủ tướng Koizumi đưa ra sau cuộc gặp cũng đủ để nhiều người có thể thở phào.
Thực ra, không phải chờ đến cuộc gặp này, hai bên mới có các động tác hòa giải: ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Phi, Thủ tướng Nhật đã lên tiếng xin lỗi những quốc gia đã từng là nạn nhân của chế độ phát xít Nhật trong Thế chiến thứ 2; còn Trung Quốc, dù kiên quyết không xin lỗi về những cuộc biểu tình, bạo động chống Nhật vừa qua, cũng đang lặng lẽ thăm dò khả năng thỏa hiệp, bắt đầu bằng việc nhận sửa chữa các cơ quan đại diện, bồi thường thiệt hại cho các cơ sở kinh doanh Nhật dưới danh nghĩa “giữ gìn vệ sinh khu vực”.
Bởi lẽ cả hai đều hiểu rõ một điều là, dù có không ưa nhau đến đâu đi chăng nữa, thì những trao đổi kinh tế-thương mại đã tạo ra sự ràng buộc chặt chẽ đến mức sự phát triển của bên này sẽ khó có thể suôn sẻ nếu thiếu đi bên kia, và ngược lại.
Nói gì thì nói, việc Trung Quốc vươn lên vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật và những dòng đầu tư ồ ạt, kèm theo đó là công nghệ, trình độ quản lý … từ Nhật đổ vào Trung Quốc đã tạo nên những cú hích đáng kể giúp kinh tế hai nước tăng trưởng nhanh trong năm 2004.
Về chính trị, tuy có trang trải được phần nào nhu cầu chính trị nội bộ, song những động thái vừa qua của Nhật đã gây tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực của nước này để đạt được chiếc ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Thật khó thuyết phục những quốc gia đã từng là nạn nhân của phát xít Nhật dành cho Nhật Bản một phiếu ủng hộ, nếu nước này vẫn tiếp tục có thái độ như vậy với lịch sử, nhất là Trung Quốc với lá phiếu phủ quyết trong tay.
Còn với Trung Quốc, những cuộc biểu tình vừa qua một mặt phát đi hình ảnh một dân tộc TQ ngày càng tự tin, một “Trung Quốc có thể nói Không” (với Nhật), mặt khác lại có những tác động nhất định đến hình ảnh nước này trên trường quốc tế, nhất là khi nước này đang cố xoa dịu lo ngại của các nước xung quanh bằng thuyết “trỗi dậy hòa bình”, cũng như chuẩn bị đăng cai Thế vận hội vào năm 2008.
Cũng phải kể đến việc những cuộc biểu tình, bạo động chống Nhật ở một số nơi có xu hướng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ, và thấp thoáng đằng sau đó là sự bùng phát của những mâu thuẫn đã kìm nén bấy lâu trong xã hội Trung Quốc, chênh lệch giàu-ngèo, thất nghiệp, bất công…
Ở tầm khu vực, trong bối cảnh Đông Á đang tiến tới xây dựng một cộng đồng, nếu Trung-Nhật cứ tiếp tục “nóng, lạnh” bất thường như vậy thì liệu các quốc gia trong khu vực có đủ tin tưởng để trao vào tay hai nước này những vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt cả khu vực đi lên. Theo đó thì cuộc gặp trên là một kết cục tất yếu để hàn gắn lại mối quan hệ giữa hai nước vốn nhiều duyên nợ với nhau.
Nói như thế, không có nghĩa là sau sự cố lần này, quan hệ hai nước sẽ đi theo hướng suôn sẻ và êm đềm hơn. Có thể bài học qua sự cố lần này sẽ giúp lãnh đạo hai nước từ nay về sau có những bước đi thận trọng, tính toán kỹ lưỡng hơn. Song vẫn còn đó mối nghi kỵ và sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực, nhất là khi Trung Quốc, với những bước đi bài bản, có hệ thống, đang tiến những bước rất nhanh trong việc thiết lập một mạng lưới các mối quan hệ, hợp tác đan cài lẫn nhau với các nước trong khu vực, ngày càng thu hẹp không gian vận động của Nhật.
Đài Loan vẫn là vấn đề quá nhạy cảm với TQ, thế mà Nhật vẫn công khai ủng hộ Mỹ trong vấn đề Đài Loan, đồng ý đưa vùng biển Đài Loan vào phương án phòng thủ chung với Mỹ. Một nhân tố không thể không kể đến là Mỹ: chừng nào Trung – Nhật vẫn còn nghi kỵ nhau thì có vẻ như Mỹ vẫn là kẻ được lợi nhất. Trung Quốc cần Mỹ để kiềm chế tham vọng quân sự của Nhật, trong khi Nhật muốn dựa vào Mỹ để kiềm chế, ngăn chặn sự vươn lên của TQ.
Quan hệ ngoại giao Trung – Nhật vừa trải qua những giông tố dữ dội nhất trong hơn 30 năm qua. Lẽ thường, hết mưa bão trời sẽ nắng hửng lên. Trong trường hợp này, giông bão có thể tạm lắng xuống, song vẫn còn quá nhiều mây mù cần xua tan để có được một bầu trời trong xanh.
Ngày trước, để xây dựng được một Cộng đồng Châu Âu, tiền thân của EU bây giờ, Pháp và Đức đã gạt bỏ hận thù, nghi kỵ sang một bên, cùng bắt tay để thúc đẩy Châu Âu đi lên. Ngày nay, người ta đang chờ một cách hành xử như vậy giữa hai nước trên con đường tiến tới Cộng đồng Đông Á.
Theo T.H
Vietnamnet