1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thị trường Á - Âu rung chuyển vì vụ lừa đảo lớn nhất Phố Wall

(Dân trí) - Thị trường tài chính Mỹ, châu Âu và cả châu Á hôm qua đã rung chuyển khi Bernard Madoff - cố vấn đầu tư uy tín ở thị trường chứng khoán New York, lộ diện là tên lừa đảo lớn nhất trong vòng 20 năm qua, với tổng số tiền ước tính 50 tỷ USD.

Chiêu lừa của “Chủ hụi”

Từ cuối tuần trước, giới tài chính đã bắt đầu bàn tán, nhưng vụ việc chính thức bung ra từ hôm qua, khi các nhà chức trách Mỹ cáo buộc Bernard Madoff, một trong những nhà giao dịch chứng khoán huyền thoại của nước Mỹ, là chủ mưu của vụ lừa đảo lớn nhất nước Mỹ từ trước tới này.

Ông Madoff thành lập Công ty Đầu tư Chứng khoán Bernard Madoff năm 1960 và điều hành một quỹ quản lý đầu tư riêng rẽ khác. Công ty của Madoff hoạt động theo hình thức tư vấn đầu tư và điều hành các quỹ đầu tư với tổng số tài sản khoản 17 tỉ USD. Nhưng theo hồ sơ hình sự do Bộ Nội vụ Mỹ đệ trình lên toà án thì ông Madoff đã nói với ít nhất ba nhân viên hồi giữa tuần trước rằng quỹ quản lý đầu tư, phục vụ chừng 25 khách hàng với số vốn điều hành 17,1 tỷ USD, là hoạt động gian lận và đã bị xoá sổ từ lâu.

 

Hiện cơ quan chức năng Mỹ chưa xác định được quy mô và tác hại của vụ này, nhưng gọi đây là vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và dự đoán vụ việc sẽ tác động mạnh đến hàng loạt thể chế tài chính trên thế giới.

 

Bernard Madoff đã lợi dụng sự cả tin của hàng nghìn nhà đầu tư bằng uy tín một cựu Chủ tịch Sàn chứng khoán Nasdaq của mình và cả vì khoản lợi nhuận kếch xù mà ông này đưa ra. Thực ra, thủ thuật của Madoff chỉ là dùng tiền của nhà đầu tư mới, trả cho nhà đầu tư cũ.

 

Trong suốt nhiều năm, những khách hàng này bị dụ vào tròng mà không biết rằng Madoff chơi trò lừa đảo kiểu kim tự tháp, tức là lấy tiền của người này để trả lãi cho người kia. Kim tự tháp này sụp đổ khi có nhiều khách hàng đòi rút tiền lại. Trong số các nạn nhân của Madoff, ngoài các khách hàng ở Mỹ, có cả những ngân hàng lớn của ngoại quốc, như Nomura của Nhật Bản.

 

Madoff thừa nhận cáo buộc này và Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ đã quyết định truy tố ông Madoff về tội lừa đảo chứng khoán. Ông này nói: “Tất cả chỉ là một sự dối trá to lớn… Cơ bản mà nói thì đó là một dây hụi khổng lồ".

 

Nếu bị kết tội, phía công tố Mỹ nói ông có thể bị tới án tù 20 năm và bị phạt tới 5 triệu USD.

 

Một thẩm phán liên bang đã được chỉ định làm người giám sát tài sản của công ty cùng các tài khoản khách hàng của ông Madoff. Ông này đã được tại ngoại sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 10 triệu USD.

 

Danh sách dài những nạn nhân

 

Các ngân hàng và quỹ đầu tư khắp thế giới đã lần lượt thừa nhận đầu tư hàng tỷ USD trong các công ty của Bernard Madoff. Vụ lừa đảo Madoff đã gây chấn động khủng khiếp đến hệ thống ngân hàng toàn thế giới, mà nghiêm trọng nhất là châu Âu, gây khốn đốn cho cả những ngân hàng được coi là rất vững chắc như Santander của Tây Ban Nha và cũng là ngân hàng lớn thứ hai ở châu Âu.

 

Tại Châu Á, Nomura (vừa mới mua lại các hoạt động của ngân hàng bị phá sản Lehman Brothers ở châu Âu, Trung Đông và châu Á) đã thông báo thiệt hại 303 triệu USD trong vụ lừa đảo này. Một giới chức của ngân hàng Nomura tuyên bố: ''Ta có thể xem đây là một thất bại của Uỷ ban chứng khoán Mỹ vì ủy ban này đã không phát hiện được vụ lừa đảo. Nhưng chúng tôi cũng đã không nhìn thấy trước những tín hiệu báo động''.

 

Nomura đã từng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc Subprime tại Mỹ.

 

Theo nhận định của nhật báo kinh tế Nikkei, các ngân hàng Thụy Sĩ có thể bị mất nhiều tiền hơn Nomura trong vụ lừa đảo của Madoff. Tờ báo cho rằng, các ngân hàng Thụy Sĩ mất tới 5 tỉ USD, trong đó, riêng ngân hàng hàng đầu Union Bancaire Privee (UBP) mất khoảng 1tỉ USD.

 

Ngân hàng Santander của Tây Ban Nha bị thiệt hại khoảng 3 tỷ USD, còn ngân hàng HSBC của Anh cũng sẽ mất 1,5 tỷ USD.

 

Đây quả là một đòn chí tử giáng vào các thị trường tài chính ở Tây Ban Nha, trong khi ở đây ai cũng nghĩ rằng hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha thuộc vào loại lành mạnh nhất thế giới. Hơn nữa, ngân hàng Santander bị thiệt hại do vụ lừa đảo Mardoff, lại là một ngân hàng nổi tiếng vững chắc, đến mức không cần đến những bảo đảm do chính phủ của Thủ tướng Zapatero đưa ra.

 

Santander, ngân hàng đứng hàng thứ hai ở châu Âu nếu tính về số vốn, là một trong số hiếm hoi các ngân hàng thu được những khoản lợi nhuận lớn trong năm nay. Thế mà, quỹ đầu tư của ngân hàng này sẽ bị mất hơn 4,521 tỷ USD do vụ lừa đảo ở Phố Wall. Theo nhật báo El Muldo, khoảng 2.000 khách hàng Tây Ban Nha sẽ bị dính lây, mà đây không phải những nhà đầu tư cỡ nhỏ, mà phần lớn là các nhà triệu phú trong giới kinh doanh địa ốc.

 

Trước mắt, người ta vừa được biết một ngân hàng khác của Tây Ban Nha là BBVA có thể bị mất đến 411 triệu USD.

 

Bên nước Pháp láng giềng, ngân hàng BNP Paribas cũng thẩm định mức thiệt hại lên tới 480 triệu USD do ngân hàng này cũng đầu tư các quỹ do Madoff quản lý. Natixis cũng có thể bị mất trắng 616 triệu USD. Ngoài BNP Paribas và Natixis, ít nhất hai ngân hàng khác của Pháp đã loan báo bị dính lây trong vụ lừa đảo Madoff, nhưng với mức thiệt hại thấp hơn.

 

Hệ thống ngân hàng của Italia cũng không thoát khỏi tác động của vụ này. Danh sách các ngân hàng là nạn nhân của Madoff trong những ngày tới chắc chắn sẽ còn dài hơn.

 

Trong khi đó, một số các nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng nhất có vẻ là câu lạc bộ Palm Beach, nơi ông Madoff đã câu được nhiều khách hàng giàu có.

 

Theo một số nguồn tin thì danh sách các nạn nhân đáng kể là một thượng nghị sỹ bang New Jersey, các chủ sở hữu New York Mets và các quỹ từ thiện do đạo diễn điện ảnh Stephen Spielberg và nhà văn đoạt giải Nobel Hoà Bình Elie Wiesel điều hành.

 

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được chính xác tổng số thiệt hại sẽ là bao nhiêu.

 

Nhật Mai

Theo AFP, Reuters