Thêm một vùng lãnh thổ tuyên bố sẵn sàng sáp nhập với Nga
(Dân trí) - Cộng hòa ly khai tự xưng Transnistria, tách ra từ Moldova, được cho là đã chuẩn bị các thủ tục sẵn sàng cho khả năng sáp nhập vào Liên bang Nga sau khi kết quả trưng cầu cho thấy đa số người dân của vùng này ủng hộ việc sáp nhập, báo Pravda của Nga cho biết.
Báo Pravda (Sự thật) của Nga hồi đầu tháng này cho biết trong tháng này, giới chức Transnistria sẽ lập ra một ủy ban đặc biệt chuyên trách vấn đề sửa đổi hệ thống luật để sẵn sàng cho khả năng sáp nhập Liên bang Nga. Dự kiến Tổng thống Transnistria Evgeny Shevchuk sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể về việc đồng bộ hóa hệ thống luật pháp này vào ngày 1/11 tới.
Về phần mình, ông Shevchuk cho biết, việc sáp nhập Transnistria với Liên bang Nga phụ thuộc vào khả năng của nước Nga.
"Giải pháp cho vấn đề này nằm trong bình diện chính trị, trong bình diện các cơ quan có thẩm quyền thông qua quyết định chính trị. Chúng tôi, những người Transnistria, đã thực hiện quyết định thông qua cuộc trưng cầu. Nó rõ ràng, minh bạch, công khai. Kết quả cuộc trưng cầu, như quí vị biết, đã được Duma Quốc gia Nga xem xét và thậm chí thông qua tuyên bố phù hợp xác nhận các thủ tục là minh bạch và người dân tự nguyện tham gia trưng cầu ý dân. Ở đây, Transnistria nỗ lực xích lại gần, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào khả năng của nước Nga, chúng tôi cũng cân nhắc những đặc điểm này”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Shevchuk.
Transnistria nằm phần lớn trên một dải đất giữa sông Dniester và biên giới phía đông của Moldova với Ukraina.
Transnistria tuyên bố độc lập tách khỏi Moldova vào đầu những năm 1990. Một cuộc trưng cầu dân ý năm 2006 cho thấy, hơn 97% người dân Cộng hòa Transnistria ủng hộ sáp nhập Nga. Tiếng Nga hiện được coi là ngôn ngữ chính thống ở vùng lãnh thổ này.
Moldova không công nhận nền độc lập của Transnistria và xem phần lớn lãnh thổ của Cộng hòa ly khai này là một bộ phận của Moldova.
Không chỉ Transnistria, vừa qua, giới chức lãnh đạo nước Cộng hòa Nam Ossetia (đòi ly khai khỏi Gruzia) đã tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017, để lấy ý kiến toàn dân về vấn đề sáp nhập vùng lãnh thổ ly khai này với Liên bang Nga.
Minh Phương
Theo Pravda, Sputnik